00:00 Số lượt truy cập: 3235641

Bình Định: Lao đao vì tôm chết 

Được đăng : 03/11/2016
Gần 500 hộ nuôi tôm đang nợ ngân hàng 30,6 tỉ đồng vì tôm chết triền miên do dịch bệnh.

Bình Định là tỉnh có lợi thế về nuôi trồng thủy sản, với hơn 12.000ha diện tích mặt nước tự nhiên vùng nội địa. Hàng ngàn nông dân ở các huyện ven biển và TP. Quy Nhơn tập trung nuôi tôm sú. Có thời điểm diện tích làm hồ nuôi tôm lên đến gần 5.000ha. Phong trào nuôi tôm nở rộ, mang lại hiệu quả chưa được bao nhiêu thì đã phát sinh nhiều hệ quả. Môi trường suy thoái nghiêm trọng khiến dịch bệnh (thân đỏ, đốm trắng...) bùng phát kéo dài, không thể kiểm soát.

Trong những ngày này, các hộ nuôi tôm ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn đang điêu đứng khi nhìn tôm chết trắng hồ. Do tôm còn quá nhỏ nên không thể để bán, nhiều người thu gom làm thức ăn cho gia súc. Ông Tình, 72 tuổi, có vuông tôm rộng 1 ha, thả 20 vạn con tôm giống, nay chỉ còn khoảng 5.000 con. Một hộ khác thả 26 vạn tôm giống, nay cũng chỉ còn chưa tới 1 vạn. Theo ước tính, các hộ nuôi tôm ở phường này đã bị thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Diện tích mặt nước ven đầm Thị Nại rộng 1.600ha, từng được UBND tỉnh quy hoạch thành khu nuôi tôm năng suất cao, bền vững. Tuy nhiên, những năm qua, do sức ép về ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng hạ tầng... đã làm cho môi trường nước không còn đảm bảo như trước.

Nông dân các huyện: Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Phù Cát đang chuẩn bị xuống giống, nhưng luôn thường trực nỗi lo tôm chết, phần vì môi trường ô nhiễm, phần vì thời tiết lạnh kéo dài khiến tôm giống mất sức đề kháng. Dù biết thua lỗ nhưng nhiều hộ vẫn đeo đuổi nuôi tôm vì không còn nghề nào khác.

Từ năm 2000 đến nay, dịch bệnh liên tục hoành hành, khiến người nuôi tôm rơi vào tình cảnh nợ chồng chất. Tuy Phước là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất, gần 500 hộ nông dân đang oằn mình với khoản nợ ngân hàng "khổng lồ" hơn 30,6 tỉ đồng, và rất ít có khả năng chi trả. UBND huyện phải làm đơn gửi UBND tỉnh và Trung ương cầu cứu khẩn cấp. Hiện các cơ quan chức năng vẫn đang lúng túng trong việc bàn phương án khoanh nợ, xóa nợ. Trước thực trạng thua lỗ nặng nề của người nuôi tôm, rất có thể trong năm nay, chính quyền các địa phương cũng sẽ phải thực hiện kế hoạch cứu đói như đã từng làm trong những năm vừa qua.