Đàn bò trong mô hình sinh trưởng và phát triển tốt trong mùa Đông năm nay. Ảnh: H.CHI
Sau 10 tháng triển khai mô hình, đến nay 75 con trâu, bò trong mô hình đều sinh trưởng và phát triển tốt, không bị còi cọc và chết trong mùa Đông năm nay. Diện tích cỏ voi trong mô hình cũng cho năng suất khá cao, trên 160 tấn/ha/năm; mỗi hộ đều có ít nhất 1 cây rơm khoảng 600 kg/cây để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò.
Anh Đinh Ngói, ở làng Kon Giang, tham gia mô hình, cho biết: Hồi giờ mình cũng có chăn nuôi nhưng chủ yếu là thả gia súc trên rừng, nhưng từ khi tham gia mô hình, mình biết trồng cỏ voi, biết dựng đống rơm, làm chuồng nhốt bò, biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi. Mình đã trồng 1 sào cỏ voi và chất được mấy trụ rơm dự trữ cho bò ăn.
Gia đình anh Đinh Vét ở làng Kon Giọt II có 6 con bò, 2 con trâu, cũng tham gia mô hình. Nhờ Nhà nước quan tâm hỗ trợ tiền mua rơm và tiền trồng cỏ voi, thuốc xổ giun sán, nên đàn trâu bò nhà anh hiện nay phát triển khá tốt; trâu, bò đều mập tròn, không bị bệnh tật, nguồn thức ăn thì sẵn có quanh năm.
Ông Lý Kim Phụng, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, cho biết thêm: Mô hình phòng chống đói rét cho gia súc mùa Đông tại xã Vĩnh An đã giúp bà con nông dân địa phương nắm bắt được kỹ thuật trồng cỏ, thu gom rơm làm thức ăn cho trâu bò; kỹ thuật xổ các loại ký sinh trùng, xây dựng chuồng trại và quy trình chăm sóc từng đối tượng gia súc. Mô hình đã thành công, có sức thuyết phục, Trạm sẽ khuyến cáo bà con nông dân nhân rộng mô hình trên địa bàn xã Vĩnh An nói riêng và huyện Tây Sơn nói chung trong thời gian đến.
HOÀNG CHI