00:00 Số lượt truy cập: 3229017

Bình Định: Phát sinh đủ loại sâu bệnh hại mía 

Được đăng : 03/11/2016
Gần đây, nhiều diện tích mía trên địa bàn các xã Bình Tân, Bình Tường (Tây Sơn), Canh Vinh (Vân Canh), tỉnh Bình Định… bỗng nhiên bị héo đọt, chết dần, làm cho nông dân rất lo lắng. Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) và bà con nông dân tăng cường các biện pháp phòng trừ.

Tình trạng cây mía bị khô héo đọt, chết dần tại các vùng nguyên liệu mía ở Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh… xảy ra từ đầu tháng 2/2009 và hiện có chiều hướng lan rộng. Bị nặng nhất là các ruộng mía thuộc xã Bình Tân, Bình Tường, Tây Thuận (Tây Sơn), Canh Vinh (Vân Canh). Ông Thái Văn Sở, Trưởng Trạm Khảo nghiệm và nhân giống mía Bình Tân (Tây Sơn - Bình Định), cho biết: “Trạm đang khảo nghiệm 40 ha mía giống mới, gồm các giống K88-92, R579, MY5514. Hiện tượng cây mía héo đọt, chết dần đang xảy ra trên diện tích khoảng 1,5 ha; qua kiểm tra phát hiện có khá nhiều con bọ hung đục vào gốc, rễ, làm mía chết dần. Chúng tôi đã dùng thuốc hóa học để diệt bọ hung nhưng hiệu quả không cao lắm vì bọ hung kháng thuốc rất mạnh, lại sống sâu dưới lòng đất”.

Ông Nguyễn Phương, một nông dân trồng mía ở thôn Hòa Trung, xã Bình Tường, cho biết thêm: Gia đình tôi trồng 8 sào mía, thời gian gần đây khi kiểm tra ruộng mía tôi phát hiện có tình trạng cây mía bị héo đọt, chết hàng loạt; đào sâu dưới gốc mía thấy có nhiều sùng đất cắn vào rễ mía. Để diệt trừ bọ, tôi đã sử dụng các loại thuốc hóa học nhưng hiệu quả không cao. Trong 8 sào mía của tôi đã có 2 sào bị thiệt hại nặng phải phá bỏ để chuyển sang trồng bắp.

Bên cạnh đó, các đối tượng sâu bệnh khác như bọ xoắn tóc, chuột... cũng đang phát sinh gây hại nặng cục bộ một số diện tích mía thời kỳ vươn lóng. Ông Phùng Tấn Hưng, Trưởng trạm thu mua, phát triển vùng nguyên liệu mía số 5 (Vân Canh), thuộc BISUCO, cho biết thêm: Trên diện tích mía thuộc địa bàn huyện Vân Canh, bọ xoắn tóc đang gây hại gần 1 ha, mật độ bọ từ 10 - 15 con/m2. Điều đáng lo ngại là công tác phòng trừ chúng đang gặp khó khăn.

Trước tình hình trên, Chi cục BVTV Bình Định đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với BISUCO kiểm tra các đối tượng sâu bệnh gây hại mía và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ. Ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Bình Định, cho biết: Để diệt trừ bọ hung, bọ xoắn tóc hiệu quả, nông dân cần làm cỏ, vệ sinh đồng ruộng, thu dọn gốc, lá mía già đem tiêu hủy.

Dùng các thuốc như Vibasu 10H, Diazan 10H, Regent 0,3G… liều lượng 30 - 40 kg/ha, bón lót xuống luống. Những vùng trồng mía chủ động nước nên đưa nước vào ruộng, ngâm khoảng 10 phút cho bọ ngoi lên và bắt diệt thủ công. Cần phát động phong trào ra quân diệt chuột thường xuyên, bằng các biện pháp đào bắt, đổ nước vào hang chuột, dùng chó mèo săn đuổi hoặc dùng các loại bẫy có nhử mồi. Dùng thuốc Biorat liều lượng 3 kg/ha, đặt vào chiều mát, ngay tại các lối đi của chuột…