Ngoài 35 đơn vị, cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Định nhiều cơ sở sản xuất cây lâm nghiệp “chui” mọc lên như nấm sau mưa, hàng năm tung ra thị trường hàng triệu cây giống kém chất lượng dẫn đến hệ luỵ nhiều hộ trồng rừng lâm cảnh “tiền mất tật mang”!
Thật giả khó phân
Theo Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định, trong 35 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp nói trên có 1 đơn vị trực thuộc TW, 21 đơn vị trực thuộc ngành nông nghiệp tỉnh và 13 cơ sở thuộc hộ gia đình. Lượng cây giống do các cơ sở này cung ứng được bảo đảm chất lượng bởi chúng được sản xuất từ 44 nguồn giống đã được Sở NN-PTNT Bình Định công nhận và được Chi cục Phát triển lâm nghiệp thường xuyên kiểm tra quy trình sản xuất. Hằng năm, Bình Định thực hiện trồng mới được khoảng 5.000 ha rừng thuộc các dự án 661, KFW6, WB3. Ngoài ra còn có thêm vài nghìn ha rừng sản xuất phân tán khác được các hộ dân tự mua giống về trồng.
Trước nhu cầu về giống cây lâm nghiệp cao nên có nhiều hộ dân dù chưa được ngành chức năng cấp giấy phép hoạt động vẫn ngang nhiên tổ chức sản xuất cây giống, bán tràn lan. Ông Phạm Văn Nghị-Trưởng phòng kỹ thuật thuộc Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định, cho biết: “Các cơ sở “ngoài luồng” này chủ yếu sản xuất giống cây keo lai gieo từ hạt. Loại keo gieo từ hạt này không nằm trong danh mục được Bộ NN-PTNT cho phép kinh doanh bởi giống sẽ bị biến dị lớn, kém chất lượng, rất chậm phát triển. Ai mua phải loại giống này trồng đến 7 năm sau chưa chắc đã thành rừng”. Lai lịch hạt giống của nguồn giống “lụi” kia ai nghe cũng phải… giật mình.
Bà Phan Thị Hạnh-Giám đốc DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh ở 67 Ngô Mây (TP Quy Nhơn) cho biết thêm: “Trong khi cây giống của chúng tôi được bảo đảm đủ 3 chất lượng: chất lượng sinh lý, chất lượng di truyền và tài liệu hoá nguồn giống bằng những trang thiết bị được đầu tư cả vài tỷ đồng thì cây giống của các cơ sở tự phát được sản xuất từ hạt hái bừa bãi ngoài rừng. Nhiều cơ sở thuê hẳn 1 lực lượng trẻ con hàng ngày chuyên len lỏi vào các khu rừng keo để hái hạt.
Vì là trẻ con nên chúng chỉ hái hạt ở những cây thấp, ít tuổi trong khi yêu cầu hạt đủ chất lượng phải được hái từ cây trội có từ 7 đến 10 năm tuổi. Bởi vậy, khi tung cây giống ra thị trường họ có thể bán giá thấp hơn giá của các đơn vị SX chính danh đến nửa mà vẫn có lãi cao. Còn người trồng rừng thì chẳng thể phân biệt được đâu là loại có chất lượng, đâu là loại “rởm”, thấy rẻ là cứ mua ào ào”.
Tưởng được một, hoá mất mười
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện giá bán giống cây bạch đàn ở các đơn vị, cơ sở sản xuất “chính danh” là từ 900-1.000đ/cây; giống keo lai là 500đ/cây. Nhưng nếu đến các cơ sở sản xuất “chui” ở huyện Hoài Nhơn thì có thể mua rẻ hơn từ 1/3 đến 1 nửa giá. Thậm chí, nếu chủ cơ sở “chui” nào có quan hệ tốt với 1 vài cơ sở “chính danh” thì cũng có thể “chính danh hoá” sản phẩm của mình bằng những thủ tục hợp pháp và được tung ra thị trường với cái giá “bằng chị bằng em”.
Khách hàng của các cơ sở sản xuất “chui” khá đông, đó là những hộ trồng rừng sản xuất tự phát. Vì thiếu hiểu biết, muốn tiết kiệm vốn đầu tư cây giống mà họ tìm đến các cơ sở này để được mua giá rẻ. Thế nhưng họ đâu biết rằng cái lợi trước mắt của họ chỉ nhỏ bằng hạt thóc mà cái hại lớn bằng…trái bí! Bà Phan Thị Hạnh-Giám đốc DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh, tính với chúng tôi bài toán hiệu quả giữa 2 loại giống: “Trên diện tích 1 ha, mua bạch đàn hạt sẽ “tiết kiệm” được hơn 1,5 triệu đồng so với giống bạch đàn cấy mô. Thế nhưng với giống mô, 7 năm sau là người trồng sẽ có những cánh rừng bạch đàn chất lượng, đồng đều, cho khai thác hiệu quả cao.
Còn dùng giống hạt thì phải kéo dài đến 10 năm mới có thể khai thác dẫn đến lãng phí đất, công và nhất là vốn đầu tư. Chất lượng cây của 2 loại giống cũng rất khác biệt, nếu 1 ha rừng bạch đàn được trồng bằng cây giống hạt chi cho thu hoạch may ra được 30-40 khối thì 1 ha rừng bạch đàn cấy mô cho thu hoạch từ 90-120 khối. Tính ở mức thấp nhất, người trồng bị thiệt hại trên mỗi ha là 60 khối. Hiện nay giá 1 khối gỗ bạch đàn là 700.000đ, như vậy người trồng “mất đứt” 42 triệu đồng/ha bạch đàn, đó là chưa kể thời gian được thu hoạch còn lâu hơn 3-4 năm!"
Thực tế này cho thấy, mức thiệt hại mà các cơ sở SX giống cây lâm nghiệp “chui” gây ra là không nhỏ, thế nhưng để chấn chỉnh tình trạng này, theo ngành chức năng là không dễ. Ông Phạm Văn Nghị-Trưởng phòng kỹ thuật thuộc Chi cục Phát triển lâm nghiệp Bình Định-nói: “Trong tháng 8 vừa qua, chúng tôi mở rộng kiểm tra và phát hiện đến 19 cơ sở sản xuất chưa được ngành chức năng cấp giấy phép hoạt động, tập trung ở huyện Hoài Nhơn.
Có nhiều cơ sở có quy mô sản xuất lớn như hộ ông Huỳnh Văn Công ở xã Hoài Đức đang có trong vườn ươm đến 560.000 cây keo lai hạt; hộ Nguyễn Hồng Mỹ (Hoài Châu): 100.000 cây; hộ Lê Đình Đạo (Hoài Tân): 60.000 cây; hộ Nguyễn Nam ở Ân Nghĩa (Hoài Ân): 150.000 cây; hộ Nguyễn Văn Tím (Ân Nghĩa-Hoài Ân): 150.000 cây… Dù họ vi phạm rành rành là vậy nhưng thẩm quyền của chúng tôi không thể xử phạt, chỉ lập biên bản đề nghị huyện xử phạt và tiêu huỷ toàn bộ số cây giống kém chất lượng kia. Muốn việc quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp được chặt chẽ hơn, Chi cục Phát triển lâm nghiệp cần có thêm phòng Thanh tra để có thể xử lý những vi phạm triệt để hơn. Có như vậy mới có thể ngăn chặn và triệt được những cơ sở SX cây lâm nghiệp “chui”.