00:00 Số lượt truy cập: 3230453

Bình Định đẩy mạnh phát triển giống dê Boer chuyên thịt 

Được đăng : 03/11/2016
Với mục tiêu cải tạo đàn dê địa phương, dựa trên kết quả Đề tài nghiên cứu “Du nhập giống dê Boer” thực hiện từ năm 2005 của Trung tâm KHKT Vật nuôi Bình Định và được HĐKH Nông nghiệp tỉnh Bình Định công nhận năm 2007; hiện nay Sở NN& PTNT Bình Định đã khuyến cáo người chăn nuôi trong tỉnh phát triển chăn nuôi giống dê mới này.

Được biết giống dê Boer mới du nhập có nguồn gốc châu Phi và hiện được nuôi nhiều ở các nước Nam Mỹ là giống dê chuyên thịt; qua gần 3 năm nghiên cứu, Trung tâm KHKT Vật nuôi Bình Định đã tiến hành cho lai thành công với giống dê cỏ địa phương. Dê Boer con lai F1 có tầm vóc lớn hơn so với dê cỏ, trojng lượng con trưởng thành đạt trung bình từ 70- 80 kg, có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu Bình Định, con lai sinh ra tăng trọng nhanh hơn dê cỏ từ 1,4- 1,6 lần; có thể nuôi chăn thả tự nhiên, bán thâm canh và thâm canh nuôi nhốt hoàn toàn. Là giống dê chuyên thịt, dê Boer lai có tỷ lệ thịt xẻ đạt tới 40- 42% trong khi các giống dê địa phương hiện có kể cả dê lai Bách thảo hay dê lai Ấn Độ có tỷ lệ thịt xẻ chỉ từ 30- 32%; trong điều kiện hiện nay khi mà chăn nuôi lợn và nuôi bò thịt đang gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh với thịt nhập khẩu, với giá bán từ 38.000- 40.000 đ/ kg thì việc phát triển chăn nuôi giống dê lai Boer cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Nguyễn Văn Tiến- nông dân xã đảo Nhơn Lý- TP Quy Nhơn chăm sóc dê Boer lai mới sinh 2 tuần tuổi.

Kỹ sư Mai Văn Thuận- cán bộ Trại thực nghiệm gia súc lớn và đồng cỏ Long Mỹ- TT KHKT Vật nuôi cho biết: Từ kết quả thực hiện đề tài được HĐ KH ngành cho phép đưa vào sản xuất, giống dê này cần được phát triển nhân rộng để cải tạo đàn dê hiện có của tỉnh, ngoài việc thực hiện lai cải tạo giống dê cỏ địa phương, chúng tôi cũng đã tiến hành cho lai với các giống dê Bách Thảo(kiêm dụng thịt- sữa) và các giống dê sữa có nguồn gốc Ấn Độ hiện có ở tỉnh đều đạt kết quả tốt; nếu có điều kiện bà con nông dân nên sử dụng đực giống Boer thuần để lai tạo với dê địa phương con lai sinh ra sẽ phát triển tốt hơn.

Nhằm để đẩy mạnh phát triển giống dê mới này, Bình Định đã xây dựng các Mô hình Khuyến nông để khuyến cáo bà con nông dân nuôi giống dê mới; năm 2008 Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ TP Quy Nhơn triển khai 2 điểm trình diễn tại xã Phước Mỹ và Nhơn Lý với mục tiêu cải tạo giống dê cỏ địa phương bằng giống dê Boer chuyên thịt. Tại 2 điểm Mô hình, Trung tâm KN đã hỗ trợ 60% kinh phí để các hộ tham gia MH mua 2 dê đực giống Boer lai F1, chỉ từ tháng 4/2008 tới nay tại mỗi điểm mô hình đã có 22- 25 dê cái được tiến hành phối giống, tỷ lệ đậu thai hơn 90%; mới đây đã có 7 dê con lai Boer thế hệ F2 được sinh ra với trọng lượng sơ sinh từ 2,8- 3,3 kg/con lớn hơn dê cỏ thuần khoảng 10% và dự kiến đến cuối tháng 11 sẽ có khoảng 50 dê con lai Boer mới được sinh. Qua theo dõi trong thời gian 2 tháng kết quả bước đầu cho thấy dê Boer lai phát triển nhanh hơn dê địa phương gần 50%; trong khi dê cỏ 2 tháng tuổi chỉ đạt bình quân 6,5 kg/con thì dê Boer lai F2 đạt trọng lượng 9,8 kg/con, có con đạt trong lượng 10,5 kg. Theo nhận xét của các chủ hộ thực hiện mô hình thì giống dê mới này có khả năng thích ứng khá tốt với điều kiện khí hậu tại địa phương, dễ nuôi do ăn được nhiều loại cây lá khác nhau kể cả lá keo tai tượng, lá dương là những loại mà các giống dê địa phương không sử dụng; tuy nhiên theo bà con thì giống dê này nuôi theo phương thức bán thâm canh kết hợp chăn thả và bổ sung thức ăn tinh là có hiệu quả nhất; đã có khá nhiều hộ chăn nuôi dê ở TP. Quy Nhơn và các huyện trong tỉnh đã tìm đến tham quan học tập kinh nghiệm từ các mô hình này. Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng xây dựng dự án Hỗ trợ phát triển giống dê mới tại 6 huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Cát, Vân Canh, Phù Mỹ và TP Quy Nhơn, theo đó sẽ hỗ trợ 40% giá trị dê đực giống Boer và hướng dẫn kỹ thuật để hộ chăn nuôi dê tiến hành lai cải tạo đàn dê địa phương hiện có và tổ chức chăn nuôi phát triển giống dê mới theo hướng bán thâm canh; đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ được 15 con dê đực giống cho các huyện và dự án sẽ tiếp tục thực hiện từ nay tới 2010, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế xã hội như mong đợi, đem lại nguồn lợi, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi..