00:00 Số lượt truy cập: 3231004

Bình Định: mô hình rau an toàn ở vùng cao Vĩnh Thạnh 

Được đăng : 03/11/2016
 Trong những ngày này, tại khu vực Suối Xem ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định) nhộn nhịp hẳn lên, một số bà con nông dân thôn Định Trường (xã Vĩnh Quang) đang nhanh tay hái những trái ớt cuối vụ, một số người đang chăm sóc những luống rau xanh mướt. Đây là những người tham gia trồng rau an toàn kiểu mẫu của thôn Định Trường. Tuy còn gặp không ít khó khăn ở giai đoạn đầu nhưng mô hình này đã tạo ra bước chuyển mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn thực sự góp phần giải quyết được nhu cầu thực phẩm rau tươi sống trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.
 

Ông Đoàn Thanh Tuấn nhóm trưởng mô hình trồng rau an toàn thôn Định Trường cho biết: Tháng 4 năm 2007, có 15 hội viên nông dân thôn Định Trường (xã Vĩnh Quang) đã thành lập nhóm "Mô hình trồng rau an toàn” kiểu mẫu. Mô hình này được thực hiện tại khu vực Suối Sem với diện tích 2,5 ha trên đất dự phòng do xã hỗ trợ. Sau khi thành lập, các hộ tham gia đã bầu ra nhóm trưởng, nhóm phó và thư ký; đồng thời xây dựng quy chế hoạt động của nhóm từng tháng, quý nhằm đánh giá rút kinh nghiệm trong sản xuất".

Bước đầu, các hộ tham gia gặp không ít khó khăn, kinh nghiệm sản xuất không nhiều, tìm kiếm các loại giống cây trồng phù hợp với chân đất và mùa vụ ở địa phương, lại vừa tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khó khăn chồng chất khó khăn, lúc đầu ai tham gia mô hình cũng chán nản tửng như bỏ cuộc giữa chừng, trong khi giá cả tăng cao, thời tiết không thuận lợi.

Trước tình hình đó, Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và các ngành kỹ thuật trong huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về rau an toàn cho các hộ tham gia mô hình. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện tín chấp vay vốn từ Ngân hành chính sách xã hội và hỗ trợ nguồn vốn quỹ nông dân cùng với nguồn vốn tự có của gia đình, mỗi hộ tham gia đã kéo được điện, khoan 1 giếng nước đảm bảo chủ động nguồn nước tại chỗ.

Sau 6 tháng, bà con thu hoạch vụ đầu với mô hình trồng xen ớt-hành, khổ qua-dưa leo, cải-ớt, hành. Kết quả đem lại khá cao, mọi người trong nhóm đều phấn khởi. Mỗi sào cho thu nhập 2 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trồng lúa so với cùng một diện tích, cao gấp 3 lần so với trồng mía trong thời gian 12 tháng.

Anh Cao Thanh Quý – một trong những người tham gia mô hình này cho biết: "Hiện nay, tôi trồng 8 sào rau an toàn. Từ ngày đổi sang trồng rau an toàn, mình vừa có thu nhập ổn định, vừa bảo đảm sức khỏe cho cộng động". Anh Quý cho biết thêm: Để trồng rau an toàn đòi hỏi người nông dân nâng cao kỹ thuật và chăm sóc đủ tiêu chuẩn chất lượng, thực hiện nghiêm ngặt 4 đúng. Đó là, đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng thời gian cách ly không có dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, không làm ảnh hưởng sức khỏe đến người tiêu dùng.

Bước vào vụ sản xuất năm 2008, bà con đã quen với kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng. 15 hội viên trong nhóm thông qua cuộc họp đã quyết định vào sản xuất hai loại cây: hành và ớt. Đây là hai loại cây mà thị trường có nhu cầu cao, giá cả ổn định. Bà con đưa vào trồng 2 ha hành, ớt và 0,5 ha các loại rau khác. Thấy hiệu quả mà mô hình đem lại, các hộ khác trong thôn đã học hỏi và nhân mô hình này, trồng thêm 2,5 ha nữa. Được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông Vĩnh Thạnh, tập thể nhóm đã góp tiền đi tham quan mô hình ớt ở Phù Mỹ và Nhà máy sơ chế ớt ở Phù Mỹ. Thời điểm thu hoạch đầu tiên, bà con đã được Nhà máy sơ chế ớt Phù Mỹ ký hợp đồng mua với giá thị trường 12.000-14.000đ/kg, đã tạo niềm vui lớn cho bà con nông dân.

Sau khi thu hoạch, mỗi sào dưa chuột trồng 2 vụ trong thời gian 5 tháng, trừ chi phí bà con còn lãi gần 7 triệu đồng. Một sào khổ qua trồng 2 vụ trong thời gian 6 tháng, bà con trừ chi phí còn lãi gần 6 triệu đồng. Cây hành với diện tích 1 sào trồng 3 vụ trong thời gian 6 tháng, bà con trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng. Còn cây ớt trồng 1 sào trong thời gian 8 tháng, bà con trừ chi phí còn lãi 4 triệu đồng So sánh với cây mía cao gấp từ 7 đến 14 lần tùy theo loại rau an toàn. Anh Lê Văn Xinh- Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Thạnh nhận xét: "Đây là mô hình đem lại hiệu quả rất cao, 1 ha cho lãi 80 triệu đồng trong thời gian 8 tháng, nếu trong thời gian 12 tháng thì cho thu nhập 100 triệu đồng. Trong thời gian đến, Hội nông dân phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn kỹ thuật, cho nông dân vay vốn với lãi suất thấp để giúp cho nông dân tiếp tục sản xuất mô hình này".

Mô hình rau an toàn ở Vĩnh Thạnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu rau xanh trên địa bàn huyện mà còn giải quyết tốt công lao động nhàn rỗi ở địa phương. Đây cũng là bước đột phá đầu tiên của người nông dân miền núi Vĩnh Thạnh, đã biết chuyển vùng đất khô cằn nơi đây thành một vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa, hình thành thương hiệu cho sản phẩm địa phương "rau an toàn". Để ghi nhận những kết quả mà nông dân nơi đây làm được, UBND tỉnh Bình Định đã tặng bằng khen cho Chi hội VAC thôn Định Trường đã hoàn thành xuất sắc trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương.