00:00 Số lượt truy cập: 3229627

Bình Thuận: Nông dân làm giàu nhờ phát triển trang trại 

Được đăng : 03/11/2016
So với các địa phương khác trong toàn tỉnh Bình Thuận, Tân Phúc là nơi có nhiều trang trại nhất ở huyện Hàm Tân, đời sống của nông dân làm trang trại nơi đây đã trở nên khấm khá, sung túc hơn. "Đến nay, Tân Phúc hiện có gần 30 trang trại, chủ yếu là những trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Đã có gần 60 hộ nông dân được cấp giấy chứng nhận trang trại. Tuy nhiên, qua kiểm tra và khảo sát thì chỉ có một nửa trong số đó đảm bảo đủ điều kiện và các tiêu chí để được công nhận trang trại. Trang trại có diện tích lớn nhất khoảng 60 – 70ha, nhỏ nhất cũng được 5 – 10ha, kết quả sản xuất rất hiệu quả. Trong tương lai, số hộ được công nhận đủ điều kiện thành lập trang trại ở Tân Phúc sẽ còn nhiều hơn thế nữa". Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Tân Phúc đã mở đầu câu chuyện bằng những con số gây ấn tượng như thế ở một huyện còn nghèo nhất tỉnh.

Kinh tế trang trại ở địa phương nói riêng và các nơi khác nói chung ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng so với những năm trước. Nhiều vùng đất hoang hóa, xa xôi ở tận núi sâu cũng đã được đưa vào khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Nhiều hộ vì thế đã phát huy được tiềm năng đất đai, vươn lên làm giàu một cách bền vững. Điển hình như trang trại của anh Trần Minh ở thôn 4, xã Tân Phúc với diện tích 5ha, anh trồng nhãn, đu đủ và ớt sừng. Năm vừa qua, vườn cây ăn trái đã đem lại lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng - số tiền không phải ai ở vùng đất này mơ ước cũng có được.

Một trong những nông dân đầu tiên xây dựng mô hình trang trại ở Tân Phúc cho biết: mô hình trang trại bắt đầu xuất hiện ở vùng này từ năm 2002, kết quả sau vài năm thấy mô hình kinh tế trang trại đạt hiệu quả nên nhiều người dân địa phương đã học hỏi và mạnh dạn vay vốn để xây dựng trang trại.

Từ khi có nhiều trang trại hình thành, nguồn nước tưới trở thành vấn đề khó khăn đối với sản xuất do vùng này vốn dĩ đã khô hạn và không có công trình thủy lợi. Để khống chế được điểm yếu này, nông dân đã đào ao, xây giếng, đắp đập để giữ nước cho vườn nhà. Các chủ trang trại và nông dân ở vùng này đang hy vọng trong tương lai, khi nước từ hồ Sông Dinh 3 chảy về Tân Phúc, tiềm năng phát triển kinh tế trang trại ở Tân Phúc sẽ không chỉ dừng lại như hiện nay.

Theo kinh nghiệm của mình, ông Bế nhận định, thổ nhưỡng vùng đất này rất phù hợp để trồng các loại cây ăn quả vì trái luôn cho phẩm chất tốt. Nhờ vậy, các trang trại trồng cây ăn quả như nhãn, xoài, cam, quýt… nếu được chăm sóc tốt sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Khi cây ăn quả cho thu hoạch, nhiều hộ đã trả được hết nợ vay để đầu tư ban đầu và bắt đầu tích lũy, tiếp tục xây dựng trang trại. Ông Bế phấn khởi cho biết thêm, so với các địa phương khác, kể cả nhãn miền Tây cũng không ngon bằng giống nhãn tiêu da bò được trồng ngay trên đất của vùng này. Do đó, không ngạc nhiên khi đến mùa thu hoạch, thương lái từ các tỉnh đến tận trang trại để thu mua. Trong tương lai, ông sẽ cố gắng đăng ký thương hiệu cho giống nhãn ở vùng này.