Do làm tốt công tác tuyên truyền và vận động nguồn hỗ trợ từ các dự án, hiện nay, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bắt đầu làm quen với mô hình nuôi heo kết hợp xây dựng hầm biogas. Mô hình này góp phần làm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và tận dụng nguồn năng lượng từ hầm khí sử dụng trong đun nấu và thắp sáng hàng ngày.
Trước đây, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo trên địa bàn huyện phải đối mặt với vấn đề môi trường. Việc xử lý các chất thải rất khó khăn. Hầu hết chất thải được thải trực tiếp ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, làm giảm khả năng đề kháng của vật nuôi, tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Theo nhiều hộ dân ở địa phương, chăn nuôi tại nhà khâu xử lý chất thải rất khó khăn, phân của gia súc thải ra gây mùi hôi, tạo nên ô nhiễm môi trường, khiến nhiều gia đình xung quanh rất khó chịu. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, được dự án hỗ trợ xây dựng hầm biogas thì hiệu quả kinh tế, xã hội mang lại cao hơn rất nhiều. Nguồn phân chuồng không thải bừa bãi ra môi trường mà thông qua hệ thống xử lý biogas tạo chất đốt, giúp tiết kiệm trên 2 triệu đồng chất đốt mỗi năm. với những gia đình chăn nuôi số lượng nhiều, nguồn phân dồi dào, công trình biogas sẽ giải quyết rất tốt vấn đề xử lý phân thải của vật nuôi. Khí biogas cung cấp nguồn nguyên liệu khí đốt thỏa mãn nhu cầu đun nấu và thắp sáng, nâng cao hiệu quả kinh tế và điều kiện sống cho nông dân. Lượng phân sau khi đã qua phân hủy ở hầm biogas có thể sử dụng làm phân bón cho các loại cây trồng, ít bị các mầm bệnh gây hại hơn. Chi phí xây dựng hầm biogas cũng không lớn lắm, chỉ từ 5-7 triệu đồng là có thể xây dựng 1 hầm có dung tích từ 12-15 khối sử dụng cho 1 hộ gia đình.
Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Trạm khuyến Nông, lâm ngư tiếp tục kêu gọi các dự án hỗ trợ người dân về kỹ thuật cũng như kinh phí xây dựng hầm biogas./.