00:00 Số lượt truy cập: 2691676

Bưởi Tân Triều, hành trình hội nhập quốc tế 

Được đăng : 03/11/2016

Bưởi Tân Triều - Biên Hòa là đặc sản nổi tiếng của huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Mặc dù có chất lượng thơm ngon, hình thức trái đẹp nhưng ưu thế cạnh tranh của bưởi Tân Triều chưa cao chỉ vì lý do muôn thuở: chưa có thương hiệu được chứng nhận để có thể sánh vai với những loại đặc sản khác "trên đường ra thế giới". Điều này đã được hoá giải khi ngày 27/11/2006, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho Hội Làm vườn huyện Vĩnh Cửu, đơn vị đại diện cho 554 hộ trồng bưởi của 5 xã trên địa bàn.


Xây dựng thương hiệu, bước tiến lớn

Sớm nhận thức được những giá trị to lớn của đặc sản quý này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng Làng bưởi Biên Hòa ở Tân Triều, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu), giao cho Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ban, ngành khác, trong đó có Hội Làm vườn tỉnh tổ chức nghiên cứu tác động công nghệ sinh học và khoa học kỹ thuật giúp nông dân lưu giữ giống bưởi đặc sản; đồng thời nghiên cứu, xây dựng và đăng ký độc quyền nhãn hiệu bưởi Biên Hòa để đưa sản phẩm chính thức tiếp cận thị trường, hướng tới xuất khẩu. Để triển khai nhiệm vụ này, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Làm vườn cùng với các ngành, UBND huyện Vĩnh Cửu đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao vai trò, uy tín, vị thế của giống bưởi đặc sản này: Thực hiện thành công dự án nghiên cứu, tuyển chọn giống bưởi có triển vọng và biện pháp thâm canh nhằm nâng cao hiệu quả vườn bưởi; thành lập phòng nuôi cấy mô, từ năm 2003- 2004, đã cung cấp 5.000 cây bưởi giống tốt, sạch bệnh; chọn giống bưởi đường lá cam ít hạt, phục tráng giống bưởi ổi và xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây bưởi, kết hợp với du lịch sinh thái vườn; tập huấn kỹ thuật cho nhà vườn. Nhờ đó, chất lượng bưởi Tân Triều ngày càng được nâng cao.

Ngoài ra, để tiến hành phát triển vùng bưởi đạt hiệu quả cả về chất lượng và số lượng, ngay từ năm 2002, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Vĩnh Cửu đã tiến hành đầu tư phát triển một số công trình thủy lợi và cơ sở hạ tầng như: Triển khai nạo vét 7.457m rạch Tân Triều, tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng nhằm cung cấp đủ nguồn nước cho phát triển nông nghiệp và giải quyết tiêu thoát nước ngập úng cho khu vực; đầu tư 8 dự án trong khu du lịch vườn bưởi Tân Triều, nâng cấp cầu Tân Triều, xây dựng mới hệ thống đèn chiếu sáng, nâng cấp, nhựa hóa 6 tuyến đường giao thông nông thôn, đại tu lại hương lộ 6, 7, 9, 15 và tuyến đường Thành Đức - Tân Triều, đường Bình Lục - Long Phú, đường Bình Hòa - Tân Bình...

Tính đến thời điểm này, huyện Vĩnh Cửu đã có 685ha bưởi tại 8 xã với 4 giống bưởi chủ lực: đường lá cam, da láng, bưởi thanh và bưởi ổi. Trong đó, 3 xã có diện tích trồng nhiều là Tân Bình (330ha), Bình Lợi (125ha) và Bình Hòa (110ha). Từ nay đến năm 2010, huyện phấn đấu đưa diện tích bưởi lên trên 1.000ha. ông Đoàn Thạnh, Bí thư huyện ủy Vĩnh Cửu, cho biết: “Để dự án thành công, chúng tôi đang tích cực tiến hành vận động bà con nông dân chuyển dần những vùng trồng lúa sang trồng bưởi và đa số bà con đều nhất trí”.

Tiềm năng hội nhập

Từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, nhà vườn trồng bưởi ở Vĩnh Cửu ngày càng ăn nên làm ra. ông Nguyễn Phan Biên, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện, cho biết: “Để quảng bá sản phẩm bưởi Tân Triều, chúng tôi đã tổ chức giới thiệu tại các hội chợ. Đặc biệt, ở Hội chợ APEC, sản phẩm bưởi và rượu bưởi được người tiêu dùng đánh giá cao. Hội đã chuẩn bị đầy đủ lôgô nhãn hiệu để dán lên trái bưởi, trưng bày nhiều áp phích giới thiệu hình ảnh về bưởi, xây dựng video clip quảng bá, trong đó giới thiệu hình ảnh người trồng, chế biến bưởi và Làng bưởi du lịch sinh thái Tân Triều, gây ấn tượng và tạo sự thu hút của khách hàng trong và ngoài nước. Sau quảng bá thương mại, kết quả đem lại thật bất ngờ, sức mua sản phẩm bưởi tăng nhanh, kích thích nhiều hộ tham gia trồng, chế biến bưởi. Từ 2 hộ làm rượu bưởi ban đầu, đến nay, đã có 12 hộ đầu tư. Một số doanh nghiệp kinh doanh bưởi cũng làm đơn xin gia nhập Hội Làm vườn để được kinh doanh sản phẩm có gắn nhãn mác”.

ông Biên cho biết thêm, tới đây đặc sản bưởi Tân Triều - Biên Hòa sẽ có thêm những nhóm sản phẩm mới như: Các loại thuốc từ hạt bưởi, the bưởi, tép bưởi, mỹ phẩm từ hương hoa bưởi. Sản phẩm bưởi không chỉ bán ra thị trường mà còn phục vụ du lịch sinh thái của tỉnh. Bởi vậy, đi đôi với việc phát triển kinh tế, Hội vận động nhà vườn xây dựng khu vườn xanh - sạch - đẹp kết hợp với nuôi một số loại đặc sản. Nhằm mục đích phát triển tiềm năng du lịch, tỉnh cũng có hướng gắn kết tour (du lịch) Làng bưởi Tân Triều với khu sinh thái thiên nhiên Suối Đá Dựng, Nhà máy thủy điện Trị An, địa đạo Chiến khu Đ, Làng dân tộc Châu Ro…

Việc hội nhập kinh tế thế giới và khu vực, đối với nông dân cũng như những người sản xuất, chế biến và kinh doanh sản phẩm bưởi vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Vì vậy, ngoài việc đầu tư, nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi, mở rộng diện tích để có số lượng sản phẩm lớn sản phẩm an toàn, nhà vườn và ngành chức năng cần nâng cao hiểu biết về luật thương mại quốc tế, cơ hội cũng như rào cản trong quá trình hội nhập để ứng phó kịp thời.