CT giống chăn nuôi Thái Bình: Cung ứng giống với tiêu thụ thực phẩm cho dân
Được đăng : 03/11/2016
Mới chuyển thành công ty cổ phần được vài năm nhưng Công ty Cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình đã có kết quả sản xuất kinh doanh hơn hẳn trước. Trang trại chăn nuôi nái ông bà của công ty hiện là một trang trại ở phía Bắc làm ăn có hiệu quả.
Với 150 nái ông bà, hàng năm trang trại cung ứng hơn 6.000 lợn hướng nạc bố mẹ để từ đó cung ứng phần lớn đàn lợn thịt hướng nạc trong toàn tỉnh. Năm 2006, công ty sản xuất nửa triệu liều tinh dịch lợn, gấp gần hai lần lượng tinh dịch sản xuất trước khi cổ phần. Với lượng tinh dịch này, 85% đàn lợn nái toàn tỉnh đã được thụ tinh nhân tạo, đưa Thái Bình trở thành tỉnh dẫn đầu về thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn trong tỉnh.Tiến sỹ Trần Duy Khanh, giám đốc công ty cho biết, một trong những nhiệm vụ hàng đầu luôn được công ty đặc biệt chú trọng là việc nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học đến người chăn nuôi, xây dựng các mô hình trang trại, gia trại.
Hiện tại, Thái Bình có 507 trang trại chuyên về chăn nuôi (93 trang trại lợn nái, 326 trang trại lợn thịt, 65 trang trại chăn nuôi trâu bò, 23 trang trại gia cầm) và 13.326 gia trại chuyên chăn nuôi trong đó có trên chín ngàn gia trại lợn thịt, mỗi gia trại có từ 10 đến 99 đầu lợn. Hầu hết chủ các trang trại, gia trại này đã qua các lớp học chuyển giao công nghệ mới do công ty tổ chức.Nhiều trang, gia trại đã đưa những tiến bộ mới trong công nghệ vào chăn nuôi như sử dụng ôzôn để xử lý nước uống cho gia súc, vệ sinh chuồng trại...Không chỉ chuyên doanh về giống chăn nuôi, những năm gần đây công ty còn lo khâu tiêu thụ thực phẩm cho người chăn nuôi trên toàn tỉnh. Một trong những mô hình tiêu thụ thực phẩm đang phát huy hiệu quả là "Hợp tác xã tiêu thụ thực phẩm, nông sản Thái Bình" do công ty thành lập từ năm 2004.Ra đời trên cơ sở tự nguyện, hợp tác, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, với lực lượng xã viên là chủ các trang trại, gia trại, đây có thể nói là mô hình đầu tiên ở Thái Bình (và cũng là đầu tiên ở khu vực phía Bắc) được tổ chức theo chuyên ngành trên phạm vi toàn tỉnh. HTX hoạt động với năm nội dung chính là: Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Từng xã viên được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX. Sản phẩm chăn nuôi của họ được bán thẳng tới nơi tiêu thụ không qua một trung gian nào. Giá bán tại nơi tiêu thụ chính là giá bán của xã viên. Xã viên chỉ phải trả hai khoản cước vận chuyển và phí dịch vụ HTX (khoản này do đại hội xã viên quyết định); dịch vụ cung ứng con giống. Khi có nhu cầu, xã viên ký hợp đồng với HTX và cũng được cung ứng con giống tận nơi chăn nuôi; dịch vụ cung cấp thức ăn chăn nuôi; dịch vụ cung cấp thuốc thú y, vật tư chăn nuôi và dịch vụ kỹ thuật. Năm 2005, HTX đã cung cấp 100% đàn nái ngoại, hàng chục ngàn tấn thức ăn chăn nuôi, hàng tỷ đồng thuốc thú y cho các xã viên của mình, tiêu thụ được 10 ngàn tấn thịt lợn hơi, đạt doanh số hàng trăm tỷ. Nếu so với tổng sản lượng lợn hơi của toàn tỉnh Thái Bình là 80 ngàn tấn, thì mức tiêu thụ trên của HTX quả là mức lý tưởng, bởi hiện tại HTX chỉ có 79 xã viên. Năm 2006, HTX đã tiêu thụ được trên 7.000 tấn thịt lợn hơi. Hiện tại HTX đang có đề án xây dựng xí nghiệp giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn với thương hiệu "thịt lợn sạch Thái Bình", xây dựng xí nghiệp giết mổ, chế biến các sản phẩm từ gia cầm cũng với thương hiệu trên.Một số xã viên cho biết, khi ký hợp đồng tiêu thụ cũng như cung ứng với HTX, họ hoàn toàn yên tâm vì "đó thực sự là HTX của chúng tôi"...