00:00 Số lượt truy cập: 3235683

Cà Mau: Khai thác thuỷ sản chông chênh với những rào cản 

Được đăng : 03/11/2016
Được đánh giá là thế mạnh mũi nhọn của Cà Mau, tuy nhiên những năm gần đây sản lượng khai thác thủy sản tăng chậm, giá trị kinh tế không cao. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) 6 tháng đầu năm 2010, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh khoảng 82.000 tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, nhiều mặt hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu lại có xu hướng giảm, khiến nhiều ngư dân lao đao.

Khó khăn trong khai thác biển

Theo ông Nguyễn Văn Kha, khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân, khoảng 3 năm trở lại đây sản lượng khai thác thủy sản sụt giảm, sau những chuyến ra khơi các loài thủy sản có giá trị xuất khẩu như: cá, mực, tôm… rất thấp, lượng cá phân là chủ yếu, lợi nhuận thấp. Trong khi đó giá dầu tăng cùng với các dịch vụ hậu cần nghề biển cũng tăng đã khiến nhiều ngư dân rơi vào cảnh lao đao. Phương tiện khai thác biển của gia đình ông Kha có công suất 165 CV. Trước đây, sau mỗi chuyến ra khơi (2 lần/tháng), trừ các khoản chi phí, gia đình ông còn lời trên 15 triệu đồng.

“Hiện nay sau mỗi chuyến đánh bắt trúng lắm chỉ được 10 triệu đồng là mừng”, ông Kha cho biết.

6 tháng đầu năm 2010, sản lượng khai thác thủy sản của huyện Phú Tân là 10.100 tấn, đạt 59,41%, so với cùng kỳ năm trước, giảm 1.500 tấn. Theo đánh giá của ông Trần Minh Nguyên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng khai thác thủy sản. Năm 2008 - 2009, thực hiện chương trình hỗ trợ dầu của Chính phủ, phần lớn các phương tiện khai thác thủy sản đều được đầu tư vốn, từ đó đã kích thích các phương tiện mở rộng khai thác, góp phần tăng sản lượng chung của toàn huyện. Những tháng đầu năm 2010, chương trình hỗ trợ vốn của Chính phủ kết thúc, nhiều phương tiện khai thác trên địa bàn huyện lại rơi vào cảnh thiếu vốn ra khơi.

Những năm gần đây, xuất hiện ngày càng nhiều phương tiện khai thác thủy sản gần bờ mang tính hủy diệt, như: cào bay, đẩy te, thậm chí nhiều “ngư tặc” còn khai thác thủy sản bằng xung điện, từ đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lợi thủy sản. Theo đó, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm khai thác của ngư dân vẫn còn thấp, ngư cụ cũ, phương tiện không được đầu tư nâng cấp đã góp phần ảnh hưởng đến sản lượng khai thác.

Huyện Phú Tân có 844 phương tiện khai thác thủy sản. Trong đó có 107 phương tiện đánh bắt có công suất trên 90 CV, hơn 400 phương tiện khai thác có công suất dưới 20 CV. Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận, có những năm sản lượng khai thác biển tăng nhưng giá trị kinh tế không cao. Đây được xem là sự phát triển theo tỷ lệ nghịch giữa sản lượng và giá trị. Thực tế, các phương tiện khai thác biển có công suất lớn để đánh bắt xa bờ vẫn còn chiếm tỷ lệ ít, phương tiện thiếu, yếu và bên cạnh đó nếu không nắm vững kỹ thuật khai thác thì hiệu quả kinh tế không cao.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhiều chủ phương tiện khai thác biển, những năm gần đây, trong những chuyến ra khơi, những sản phẩm có giá trị kinh tế chỉ đạt khoảng 20 - 30%, chủ yếu vẫn là các loại cá phân, cá tạp có giá trị thấp.

Mở hướng cho ngư dân

UBND tỉnh đã bắt tay xây dựng hoàn thành Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Trong đó, các huyện như: Phú Tân, Trần Văn Thời, Ngọc Hiển… cũng được quy hoạch theo đề án này. Năm 2008, UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc phân cấp và giao cho huyện, xã quản lý các phương tiện khai thác biển có công suất dưới 20CV và khai thác cách bờ 6 hải lý.

Ông Trần Minh Nguyên cho biết: “Trên cơ sở đề án của UBND tỉnh cùng với việc thực hiện các quyết định, UBND huyện Phú Tân tiến hành xây dựng lại đề án cho phù hợp với địa phương. Phòng NN&PTNT huyện cử cán bộ đến rà soát lại các phương tiện khai thác biển tại thị trấn Cái Đôi Vàm, các xã: Nguyễn Việt Khái, Phú Tân, Tân Hải, Rạch Chèo, Phú Mỹ và Phú Thuận. Đề án của huyện được xây dựng theo 3 phương án: hỗ trợ nâng cấp phương tiện khai thác trên biển, nuôi trồng trên biển và hỗ trợ đào tạo nghề chuyển đổi việc làm”. Đối với những hộ có khả năng khai thác tiếp thì chính quyền địa phương sẽ tranh thủ nguồn vốn để hỗ trợ nâng cấp phương tiện, trang bị thêm ngư cụ và vốn lưu động để khai thác. Bên cạnh đó, theo đề án của UBND tỉnh quy hoạch diện tích nuôi sò huyết cho huyện trong năm 2010 là 100 ha, năm 2015 có 150 ha và đến năm 2020 huyện có 200 ha nuôi sò và 1.000 ha nuôi nghêu lụa.

Hiện nay, Phòng NN&PTNT đang tiến hành rà soát quy hoạch vùng nuôi cho các hộ ven biển và giao cho chính người dân tự quản lý. Theo phương án này phần lớn người dân đều thống nhất cao. Riêng với những hộ không có điều kiện tiếp tục khai thác biển, UBND huyện có kế hoạch phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm.

Ông Hồng Văn Cành, khóm 4, thị trấn Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân cho biết, hàng trăm hộ dân khóm 4 đều không đất sản xuất và sống bằng nghề đẩy te, bắt ốc hơn 10 năm qua. Biết là vi phạm quy định của Nhà nước nhưng do không nghề nghiệp nên đành chịu. Nếu Nhà nước có hỗ trợ vốn phát triển kinh tế, gia đình sẽ chuyển đổi nghề đẩy te sang chăn nuôi để cuộc sống ổn định hơn.

Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo tỉnh Cà Mau đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020” sẽ mở ra những triển vọng mới trong việc sắp xếp, phát triển khai thác nguồn lợi trên biển. Tuy nhiên, đã qua 6 tháng đầu năm, một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc triển khai thực hiện.

Ông Trần Minh Nguyên chia sẻ: “Đây là đề án mới nên phần lớn đề án của huyện phải dựa trên cơ sở đề án của tỉnh. Việc xây dựng đề án vẫn đang trong giai đoạn điều tra rà soát. Do đó, chưa có cơ sở để địa phương tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ phía Trung ương, địa phương, các tổ chức phi Chính phủ… Thời gian tới Phòng NN&PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện, phối hợp với các ngành địa phương nhanh chóng triển khai đề án một cách tốt nhất nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế trong khai thác biển”./.