00:00 Số lượt truy cập: 2638496

Cà Mau: Nhiều mô hình kinh tế tổng hợp đạt hiệu quả kinh tế cao 

Được đăng : 03/11/2016

Nông dân tỉnh Cà Mau áp dụng mô hình sản xuất tổng hợp bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao, bình quân cho thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/hộ/năm, nhờ đó nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.


Mô hình phổ biến nhất hiện nay trên đồng đất Cà Mau là đa cây, đa con trên cùng một diện tích đất. Đối với nuôi trồng thủy sản, nếu như trước đây nông dân chỉ có nuôi tôm thì bây giờ trên cùng diện tích đất đó, bà con vừa thả tôm nuôi, đồng thời vừa thả nuôi một số thủy sản khác như cua, cá chẻm, cá phi, cá đối... Đây là những loài cùng chung sống với tôm mà vẫn tăng trưởng, không ảnh hưởng tới nhau. Cách làm này rất hiệu quả. Trên bờ, nông dân thực hiện mô hình sản xuất đa cây đa con vừa trồng hoa màu kết hợp với nuôi lợn, gia cầm. Mặc dù quy mô nuôi nhỏ lẻ theo hình thức kinh tế hộ nhưng nhiều loại cây, con cộng lại nên hiệu quả kinh tế thu được rất cao. Mô hình này áp dụng riêng cho vùng nuôi trồng thủy sản, có độ nước mặn cao.

Đối với vùng nước ngọt bao gồm các huyện Thới Bình, Trần Văn Thời, U Minh khu vực có diện tích 90.000 ha rừng tràm U Minh hạ. Ngoài việc trồng rừng, còn có diện tích trồng lúa, kế đến bà con tổ chức nuôi đủ các loại cá đồng bao gồm cá lóc, cá bổi, cá sặc, cá trên, cá rô... là những loại cá đồng đang khan hiếm và rất có giá trên thị trường hiện nay. Một số vùng bà con tổ chức nuôi tôm càng xanh nước ngọt cũng có hiệu quả tốt. Trên bờ vẫn là mô hình "vườn rau ao cá". Bà con trồng nhiều loại cây ăn trái như mãng cầu, nhãn, đu đủ, xoài, ổi, mận... trong ao vườn bà con nuôi cá tra, cá bống tượng, ếch, lươn, rắn, rùa, kì đà...

Những hình thức sản xuất trên không thể phát triển quy mô lớn nhưng đây là mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của đa số nông dân nông thôn. Nhờ tìm tòi được cách tổ chức sản xuất mà tỷ lệ hộ nghèo trong nông dân tỉnh Cà Mau hiện nay chỉ còn 17% ./.