Nông dân tỉnh Cà Mau đang vào mùa thu hoạch cá đồng, tập trung chủ yếu ở vùng ngọt hóa phía bắc Cà Mau; nhất là trên lâm phần rừng tràm U Minh Hạ.
Nhiều nông dân cho biết, sản lượng cá đồng năm nay không nhiều so với những năm trước đây, nhưng nhờ bán được giá nên cho thu nhập khá từ nguồn lợi kinh tế thủy sản này. Theo đó, cá lóc, cá trê có giá bình quân 35.000 đồng đến hơn 45.000 đồng/kg tùy theo loại; cá rô đồng, thác lác, sặc rằn từ 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg trở lên. Đặc biệt, cá sặc rằn được thương lái đến tận nơi thu mua về phơi khô. Nhiều hộ sau khi thu hoạch cá đã thu về hàng chục triệu đồng. Các địa phương có trữ lượng cá đồng lớn là huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh do diện tích nước ngọt ở những vùng này còn nhiều và có rừng U Minh là môi trường sống thuận lợi cho cá đồng sinh sôi phát triển. Theo đó, từ đầu vụ đến nay, sản lượng cá đồng của huyện Trần Văn Thời đạt gần 1.000 tấn và nông dân ở đây đang tiếp tục thu hoạch. Tuy nhiên, so với thời điểm trước khi thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ trồng lúa sang nuôi tôm năm 2001, mỗi năm huyện Trần Văn Thời thu hoạch hàng ngàn tấn thì sản lượng cá đồng này giảm đáng kể và đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Nguyên nhân diện tích nuôi cá đồng giảm do áp lực từ giá trị kinh tế cao của con tôm sú, nông dân chỉ tập trung nuôi tôm; áp lực xã hội từ hàng ngàn hộ cư dân đang sinh sống trên lâm phần rừng tràm khai thác đánh bắt mang tính hủy diệt, không gắn với bảo vệ nguồn lợi cá đồng; thiếu những giải pháp đầu tư phát triển, khôi phục đàn cá đồng trên lâm phần mà chỉ trông chờ vào tái tạo tự nhiên...
Nguồn lợi cá đồng của tỉnh Cà Mau đang từng bước khôi phục, nhất là vùng rừng tràm U Minh Hạ, trên cơ sở quy hoạch mở rộng diện tích nuôi cá đồng lên hơn 23.000 ha; phát triển mạnh các mô hình nuôi kết hợp như: rừng - cá đồng, lúa - cá đồng, nuôi chuyên canh cá đồng, nuôi cá đồng kết hợp với một số loài thủy sản nước ngọt khác.