00:00 Số lượt truy cập: 2671169

Cách cho trái dưa chuột lớn đều 

Được đăng : 03/11/2016

Các giống dưa chuột cao sản trồng hiện nay chủ yếu là các giống ra hoa dạng chùm, mỗi chùm 2-5 quả, thời gian nở các hoa trên một chùm thường cách nhau 1-3 ngày nên các quả lớn cũng không đều gây khó khăn trong việc thu hoạch quả.


Để có quả dưa chuột lớn đều, công việc chăm sóc cần chú ý các biện pháp cơ bản sau:

Bón phân: Dưa chuột là loại rau ăn quả, thành phần quả dưa chủ yếu là nước (chiếm tới 95-97%), chất khô 3-5% gồm có chất xơ, vitamin, các nguyên tố vi lượng… cơ cấu phân bón cho dưa cần nhiều đạm, ít lân, ít kali và nhiều phân vi lượng. Cụ thể 1 sào Bắc bộ 360m2 cần 0,5-1,0 tấn phân chuồng hoai mục + 12-15kg đạm ure + 10-15kg supe lân + 4-6kg kali và cần phun thêm các loại phân bón lá có nhiều nguyên tố vi lượng. Không nên bón và tưới phân chuồng, nước phân chuồng, nước dải người và gia súc chưa hoai mục cho dưa vì các loại phân này có chứa nhiều chất độc, nhiều mầm bệnh gây hại cho dưa. Bổ sung những loại phân bón mới như NEB-26 trộn với đạm ure hoặc phân hỗn hợp NPK Đầu Trâu, Lâm Thao, Việt Nhật… bón cho dưa rất tốt. Bón lót cho dưa toàn bộ phân chuồng, phân lân 10-20% đạm và kali. Lượng lớn đạm và kali còn lại đem chia đều thành 5-6 phần dùng để bón thúc cho dưa 7-10 ngày/lần.

Phun bổ sung cho dưa những sản phẩm phân bón qua lá mới như: Vườn sinh thái; K-H701/702; K-Humate; Atonic…, khoảng 7-10 ngày phun 1 lần. Những loại phân bón này cung cấp đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng đặc biệt các nguyên tố vi lượng và các kích thích tố sinh trưởng thực vật an toàn giúp cho các quả lớn nhanh, lớn đều trong một chùm.

Tưới đủ nước: Dưa có lá to, diện tích lá lớn thoát nhiều hơi nước, quả nhiều nước nên cần lượng nước rất lớn đặc biệt là giai đoạn ra quả, quả đang thu hoạch. Cần tưới ẩm cho dưa đảm bảo độ ẩm bão hoà dõng luống lúc nào cũng vọt vẹt nước là vừa.

Phòng trừ sâu bệnh kịp thời: Nếu bị các loại sâu, bệnh phá hoại nhiều quả dưa bị thui chột không lớn được, năng suất có thể giảm 30-70%. Phòng trừ một số loại sâu bệnh chủ yếu sau: Sâu xanh đục quả dùng SecSaiGon50EC; ShecPatin 36EC; Silsau 36EC; Karate 2,5EC… Rệp muội dùng Oshin 20WP; Penalty gold 40EC... Bệnh sương mai, thán thư, giả sương mai, đốm vàng lá là những loại bệnh thường gây hại nặng trên dưa. Để phòng trừ hiệu quả nên phun phòng là chính hoặc phun lúc chớm bị bệnh. Dùng hỗn hợp hai loại thuốc trừ nhiều loại nấm và vi khuẩn bằng con đường tiếp xúc và nội hấp: Physan 20L + một trong các loại sau: Anvil 5EC; Tilt-supe 300EC; Ridomin gold 68WWG; Aliete 80WG. Cần phun phòng 5-7 ngày/lần, mỗi loại hỗn hợp thuốc phun 4-5 lần lại thay đỏi để tránh hiện tượng quen thuốc của vi sinh vật gây bệnh.