00:00 Số lượt truy cập: 3227358

Cách nuôi tằm kỳ lạ ở Hồng Xuân 

Được đăng : 03/11/2016
Tôi sinh ra, lớn lên ở một trại tằm nên tất cả những gian khổ của nghề nuôi “sâu quý tộc” này đã quá quen thuộc nhưng tôi vẫn cảm thấy hết sức ngỡ ngàng trước cách nuôi tằm kỳ lạ ở Hồng Xuân (Vũ Thư, Thái Bình): nuôi tằm dưới đất.

Toàn bộ bàn ghế giường tủ của gia đình ông Vũ Hữu Định được dẹp sang một góc để nhường chỗ cho 2,5 vòng tằm đang nằm trên nền nhà. Trời nóng như đổ lửa cỡ 36 - 37 độ C mà những con tằm vẫn hết sức khoẻ mạnh. Đến giờ ăn, ông Định khéo léo đi trên những viên gạch đặt giữa nền nhà (để tránh dẫm lên tằm) rồi nhẹ nhàng thả lá dâu xuống, lũ tằm ăn lá cứ rào rào. Đây đã là vụ thứ ba ông Định đã nuôi theo kiểu này. Ông bảo: “Người ta hay nói nuôi tằm ăn cơm đứng vì hết sức bận rộn, ngày phải cho ăn 8 bữa, 10 giờ đêm cũng cho ăn, tờ mờ sáng cũng cho ăn, đi đâu giỗ chạp cũng không dám vì sợ tằm đói. Từ khi nuôi tằm kiểu dưới đất thế này nhàn lắm, không phải tốn kém tiền nong nia, ngày chỉ cho ăn ba bữa tương tự như người, sáng, trưa, tối nên cứ 6 giờ chiều, cho tằm ăn xong là tôi có thể xem Euro thoải mái”.

Sang nhà ông Phan Doãn Nguyên, một trong những hộ nuôi tằm dưới đất đầu tiên tôi chứng kiến ở dưới nền nhà ngang tằm đã chiếm đến ½ diện tích. Toàn bộ những đồ loa đài, bàn ghế, phông bạt để làm dịch vụ đám cưới, đám ma của ông Nguyên trước đây để ở trong nhà giờ bưng tuốt ra sân nhường chỗ cho tằm. Ông cười bảo: “Chỉ vài ngày nữa tằm chín là chật cả nhà thôi. Nuôi dưới đất nhàn, cho ăn cũng nhàn, tằm lại khoẻ mạnh vì không gian rất thoáng không chật chội như ở trong nong. Mùa hè, nhiệt độ ở dưới đất bao giờ cũng mát cộng thêm quạt gió nữa nên tỷ lệ tằm bệnh ít, mùa đông nuôi tằm dưới đất tránh được gió lùa nên ấm hơn nhiệt độ trên nong. Nuôi tằm dưới đất phải cái hơi tốn diện tích nên nhà nào chật quá không có điều kiện phải chịu thôi”.

Hồng Xuân cũng có phương pháp nuôi tằm con giống ở Nguyên Hoà với 17 hộ dân chuyên nuôi tằm con rồi xuất cho 917 hộ dân khác chuyên nuôi tằm lớn, mỗi vòng trứng như vậy được trả công ½ kg kén. Dù đã quen với con tằm nhưng chuyện nuôi tằm dưới đất ở Hồng Xuân vẫn là điều quá mới mẻ. Ông Trần Huy Tuân - Chủ nhiệm HTX nhớ lại: “Lúc đầu nói đến chuyện nuôi tằm dưới đất, bà con ai cũng e ngại bởi sợ nuôi dưới đất độ ẩm cao, tằm ốm; nuôi dưới đất thì kiến, gián, thạch sùng ăn; rồi là kỹ thuật không thay phân thường xuyên hàng ngày nữa mà cả tuổi mới thay phân một lần...”

Anh tính đang nuôi trên nong, chăm như chăm con mọn còn sợ sơ sẩy nữa là nên dù có họp lên, họp xuống động viên dân nuôi nhưng chẳng ai dám đăng ký. Cực chẳng đã, chúng tôi phải làm cam kết sẵn sàng bồi thường năng suất cho họ bằng hợp đồng, đóng dấu đỏ hẳn hoi thì mới có 4 hộ rón rén tham gia. Hộ ông Nguyên lúc đầu nuôi bà con đến xem đông lắm vì tò mò, xem rồi có người bảo ông là… hâm nặng. Nhưng thực tế, nuôi tằm dưới đất rất đơn giản, kiến, gián, thạch sùng đã có thuốc ngừa còn con tằm lại có cả thuốc sát trùng, phòng bệnh (chi phí thuốc hết cỡ 10.000 đồng/vòng trứng). Thành công vượt ngoài mong đợi, nuôi tằm dưới đất vừa nhàn, năng suất kén lại cao hơn so với nuôi kiểu truyền thống nên vụ này có cả chục hộ đăng ký tham gia”.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Đảm - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ-Chủ nhiệm đề tài kỳ lạ này thấy tôi ngạc nhiên, chị liền giải thích đại khái nuôi tằm ở dưới đất không bí như trong nong mà tương tự như điều kiện sinh thái tự nhiên, tằm có thể toả ra theo mật độ thích hợp; nuôi tằm dưới đất không phải thay phân hàng ngày, tằm không bị sây sát nhiều nên ít bị bệnh… nên năng suất kén cao hơn.

Chị Đảm bảo: “Những năm 60, các chuyên gia Trung Quốc có sang ta đưa kỹ thuật nuôi tằm dưới đất vào Trại Phù Lưu Tế (Mỹ Đức, Hà Tây) nhưng thất bại do cơ sở vật chất khi ấy quá kém, trình độ nuôi thấp, thuốc men thiếu… Nuôi tằm dưới đất phải có thuốc sát trùng, thuốc phòng trừ bệnh (thuốc do Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ sản xuất) mới thành công được”. Hiện nay, theo chị Đảm ở Sơn La rồi Hà Nam cũng đang tiến hành nuôi tằm dưới đất, kết quả rất khả quan mà khi hết dự án hỗ trợ dân vẫn tự nguyện mua thuốc để nuôi vì nhàn, vì hiệu quả cao.

Thực tế cho thấy ở Hồng Xuân hiện giờ chỉ còn 5,9 ha lúa vì đã chuyển sang trồng dâu tới 91,7 ha. Theo hạch toán mỗi sào dâu thu 45 – 50 kg, quy tiền cỡ 1,5 triệu đồng tức trên 50 triệu/ha. Ngoài ra, dân Hồng Xuân còn có kinh nghiệm làm hàng dâu xa nhau để trồng xen 2 vụ ngô, 1 vụ rau (rau sạch vì không phun thuốc BVTV), thu được cỡ 2,2 triệu/sào nên tính tổng cộng cả dâu màu không dưới 100 triệu/ha.

Chị làm một phép toán chi tiết: “Theo phương pháp mới tằm ăn dâu chỉ có 3 bữa/ngày thay vì 6 - 7 bữa nên mỗi kg kén tươi chỉ cần 14,02 - 14,45 kg lá trong khi nuôi theo phương pháp cổ truyền phải cần tới 16,05 - 16,40 kg (tiết kiệm 10,97 - 12,38%). Như vậy, 1 vòng trứng tiết kiệm được 35 kg dâu = 70.000 đồng. Cùng với tiết kiệm lá dâu thì đầu tư công lao động tính cho 1 vòng trứng từ băng đến bán kén tiết kiệm được 32,52% = 4 công lao động – chủ yếu giảm được công thay phân, san tằm, cho ăn, bắt tằm chín lên né. Với việc áp dụng đồng bộ từ giống tằm, thuốc phòng trừ bệnh đến các biện pháp kỹ thuật thì thu nhập từ kén/ha dâu sẽ đạt từ 80 - 85 triệu đồng, đồng thời chủ động dược trứng giống, ổn định sản xuất, tiết kiệm vật tư, nhân lực và các chi phí khác”.