00:00 Số lượt truy cập: 3231472

Cần quy hoạch vùng ngao giống Nam Định 

Được đăng : 03/11/2016

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì hiện nay Nam Định là địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất miền bắc, với hơn 1.400 ha bãi triều thuộc hai huyện Giao Thủy và Nghĩa Hưng.


Riêng xã Giao Xuân (Giao Thuỷ) có hơn 100 hộ khoanh nuôi ngao, rộng trên 250 ha ở vùng bãi triều ven biển, năng suất thường đạt 20 tấn ngao thương phẩm/ha, tổng thu đạt khoảng hơn 40 tỷ đồng/năm. Nhờ nuôi và khai thác ngao mà vùng xã ven biển Giao Thủy và Nghĩa Hưng được thay da đổi thịt.


Tiềm năng và cơ hội cho sự phát triển mạnh từ nghề này là quá rõ ràng nhưng cách tổ chức sản xuất, trình độ nhận thức của người dân vùng ngao Nam Định vẫn còn quá hạn chế, muốn có nghề bền vững nhưng chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt. Thời điểm nào có thị trường là dân tình lại đổ xô đi khai thác, bất chấp các chế tài xử phạt của chính quyền địa phương. Đó là nguyên nhân khiến nguồn ngao giống nơi đây bị cạn kiệt.


Đại diện Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy cho biết: Mặc dù diện tích nuôi ngao ở đây rất lớn nhưng thực tế chưa có năm nào địa phương này thả nuôi hết diện tích, nguyên nhân vì thiếu ngao giống. Năm 2004 là năm đạt sản lượng cao nhất, khoảng 30.000 tấn, giờ đây chỉ còn 25.000 tấn. Với tình hình cung cấp giống như hiện nay, dự kiến sản lượng vài năm tới giảm xuống chỉ còn dưới 20.000 tấn/năm. Từ năm 1997, nhân dân địa phương đã phải đi mua giống từ nhiều nơi, tuy sản xuất có phát triển, song đã có tình trạng cạnh tranh, không phù hợp với môi trường sống giữa các loài làm cho giống ngao Thanh Hoá, Nghệ An bị thoái hoá.


Giống ngao bản địa có giá trị kinh tế cao hiện nay bị thu hẹp, chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong nhóm nhuyễn thể giống. Đối tượng chính hiện nay là giống ngao (nghêu) được du nhập từ tỉnh Bến Tre và tồn tại trên 10 năm, tuy nhiên nếu có biến động về thời tiết, khí hậu tác động xấu đến môi trường sống của loài này thì sẽ có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế biển của huyện và cuộc sống của hàng nghìn hộ nuôi trồng thuỷ sản. Tình trạng khai thác giống tự nhiên tuỳ tiện, không đúng thời vụ, kích cỡ, quy trình làm tổn thất rất lớn lượng giống nuôi hàng năm.


Được biết, Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy (thành lập 2006) đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền cho nông dân và kỹ thuật khai thác, cảnh báo tình trạng thiếu giống do khai thác bừa bãi nhưng mức độ tiếp thu của nông dân còn rất hạn chế. Đất nuôi ngao do người dân tự quản lý, bán sang tay với giá 500-600 triệu đồng/ha, quyền quản lý thuộc về cá nhân nên cần phải quy hoạch tổng thể lại vùng nuôi ngao, quy định rõ vùng sản xuất giống và vùng nuôi thương phẩm, nếu để người dân tự quản lý và tự quy hoạch sẽ rất khó phát triển bền vững.