Sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS về việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở NN&PTNT kết hợp với các ngành hữu quan chọn địa điểm nuôi thử nghiệm, tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật và khuyến cáo người dân không nên chuyển đổi sang nuôi loại tôm này ào ạt để tránh những rủi ro.
Người nuôi tôm thẻ chân trắng phải đăng ký với chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý và phải được sự đồng tình của những người nuôi tôm sú lân cận (thông qua việc lấy ý kiến dân) mới được triển khai nuôi, nhưng phải bảo đảm đúng theo các tiêu chuẩn ngành quy định. Tuy nhiên, hiện nay có vài trường hợp nuôi ngoài quy hoạch, là mối đe dọa đến diện tích tôm sú của tỉnh.
Tôm thẻ chân trắng có tên khoa học là Litopenaeus vannamei hoặc Penaeus vannamei, có nguồn gốc từ châu Mỹ, được nhập vào nước ta khoảng năm 2001. Loại tôm này giá thành thấp, cho năng suất cao (có thể đạt từ 12 - 24 tấn/ha). Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng có những nhược điểm cơ bản như: thường mắc những bệnh của tôm sú, mang hội chứng Taura gây nên dịch lớn ở Nam Mỹ và các bệnh khác có thể lây nhiễm sang các đối tượng tôm bản địa, làm mất an ninh sinh thái và ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất và môi trường tự nhiên.
Từ nhiều năm trước, ở Bạc Liêu có một Công ty 100% vốn nước ngoài đã nuôi tôm thẻ chân trắng. Công ty này đã nhập tôm giống và tôm bố mẹ để sản xuất giống, ương nuôi, nhân rộng dưới sự giám sát của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bước đầu đã mang lại một số thành công nhất định, tôm phát triển khá tốt, năng suất đạt khá. Tuy nhiên, khi nhân rộng cho một số hộ nuôi tôm trong và ngoài tỉnh thì gặp rất nhiều khó khăn. Do đây là một đối tượng nuôi quá mới với người dân, quy trình kỹ thuật nuôi chưa được hoàn chỉnh, cộng với thị trường đầu ra không ổn định (chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa) nên hiệu quả kinh tế không cao, từ đó không khuyến khích người dân đầu tư nuôi loại tôm này. Sở Thủy sản (nay là Sở NN&PTNT) cũng đã từng có một đề án nuôi thử nghiệm tôm thẻ chân trắng theo hướng quảng canh nhưng hiệu quả ra sao vẫn chưa được công bố, rút kinh nghiệm (!?). Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 10 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại thị xã Bạc Liêu.
Về lợi thế cạnh tranh giá cả trên thị trường giữa tôm thẻ chân trắng và tôm sú, ông Tạ Minh Phú, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận xét: Nếu tôm sú nuôi đạt từ 40 - 50 con/kg sẽ không cạnh tranh được với tôm thẻ chân trắng cùng loại, vì giá thành và chi phí sản xuất của tôm thẻ chân trắng rẻ hơn. Được biết, loại tôm này có thời gian nuôi rất ngắn, khoảng 3 - 4 tháng là đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg. Giá trên thị trường là 80 ngàn đồng/kg. Mật độ nuôi rất dày, có thể thả nuôi từ 80 - 250 con/m2 (mật độ tôm sú từ 15 - 40 con/m2). Như vậy, nếu người nuôi tôm sú thu hoạch cùng thời gian với tôm thẻ chân trắng, sẽ không có lãi (hoặc sẽ bị thua lỗ) do giá thành sản xuất của tôm sú cao hơn, sản lượng đạt thấp hơn… Tuy nhiên, quy trình nuôi và chi phí đầu tư ban đầu đối với tôm thẻ chân trắng khá cao. Nhìn trên tổng thể, loại tôm này cũng không phải là một loại vật nuôi sinh lợi lý tưởng vì mối nguy hại do loại tôm này mang đến cho hệ sinh thái tự nhiên, an toàn dịch bệnh… là rất lớn, quy trình kỹ thuật nuôi đối với loại tôm này vẫn chưa hoàn chỉnh./.