00:00 Số lượt truy cập: 2672121

Cao Bằng: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 35 triệu đồng/ha 

Được đăng : 03/11/2016

Trong giai đoạn 2010-2015, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến hết năm 2015, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 35 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 14,5 triệu đồng/người/năm.


Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 3,8%/năm, tổng sản lượng lương thực đạt trên 257.000 tấn/năm, lương thực bình quân đầu người đạt 491kg/người/năm. Tỷ trọng ngành nông-lâm-nghiệp trong cơ cấu kinh tế đạt 24,4%, trong đó, trồng trọt chiếm 56,72%, chăn nuôi 31,85%, lâm nghiệp 9,36%. Công tác quy hoạch, quản lý, bảo vệ rừng được tập trung triển khai, thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng sản xuất gắn với chế biến; đến năm 2015, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%. Các cây trồng hàng hóa mũi nhọn tiếp tục được duy trì, phát triển, diện tích, sản lượng các cây trồng tăng qua các năm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp trong nội bộ từng lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp) của tỉnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đa số cây trồng, vật nuôi bản địa có chất lượng đảm bảo nhưng vẫn dừng lại ở mức tiềm năng, chưa trở thành hàng hóa với thương hiệu, đặc trưng của tỉnh. Nếu có thì sản lượng thấp, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất nông hộ là chủ yếu.

Hiện nay, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, giá trị sản phẩm hàng hóa chưa cao. Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất còn thiếu và chưa đồng bộ, cơ giới hóa trong nông nghiệp ở các khâu sản xuất còn chiếm tỷ lệ thấp. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường, cung cấp thông tin thị trường, nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp còn thiếu và chiếm tỷ lệ thấp trong tổng quy mô vốn dành cho phát triển kinh tế.

Cùng với đó, việc tổ chức sản xuất chưa gắn được với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, việc xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín chưa thực sự hoàn chỉnh và rõ nét, chưa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các hình thức liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu tính ràng buộc, quy mô, phạm vi liên kết còn ở dạng mô hình. Kinh tế hợp tác, trang trại chưa phát triển, số lượng ít, quy mô nhỏ. Công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong tổ chức, chỉ đạo phát triển nông nghiệp chưa đồng bộ và thiếu tính kết nối. Việc triển khai tiềm năng đất đai, nguồn nước, nguồn lợi thủy sản chưa bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Nhằm khắc phục những hạn chế, phát huy những tiềm năng của ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu phát triển ngành nông nghiệp toàn diện trên cơ sở hình thành nền nông nghiệp hàng hóa có giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành đạt trên 4%/năm. Đến năm 2020, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế là 19,5%, trong đó, trồng trọt chiếm 52,5%; chăn nuôi 33,2%, dịch vụ 2,2%, lâm nghiệp 11,5% và thủy sản 0,6%; xây dựng được 10 mô hình sản xuất nông nghiệp giá trị gia tăng cao, tạo ra sản phẩm gắn với thương hiệu và thị trường ổn định; tỷ lệ che phủ rừng đạt 53%.