00:00 Số lượt truy cập: 3228327

Cao Bằng: Mô hình ứng dụng máy gặt đập liên hợp cho hiệu quả cao 

Được đăng : 03/11/2016

Năm 2013, được sự hỗ trợ của Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Cao Bằng phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hà Quảng đã triển khai dự án "Cơ giới hoá trong sản xuất lúa - Mô hình máy gặt đập liên hợp” tại xã Quí Quân.


Mục tiêu của dự án nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tới nhiều người nông dân, thông qua mô hình, đẩy mạnh cơ giới hoá vào sản xuất giúp bà con nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, giảm công lao động, thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp. Quy mô thực hiện của dự án là 01 máy với 05 hộ tham gia.

Tham gia dự án các hộ gia đình được cung cấp máy gặt đập đúng chủng loại, được tập huấn vận hành sử dụng máy. Qua lớp tập huấn, học viên được học lý thuyết kết hợp thực hành trên máy, cơ bản học viên nắm được khá vững về vận hành, sử dụng máy gặt trên đồng ruộng. Từ mô hình các hộ nông dân nhiệt tình hưởng ứng việc áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất lúa thực sự có hiệu quả.

Đánh giá hiệu quả kinh tế tính công suất gặt cho 1000m2 trên đồng ruộng, cho thấy việc sử dụng máy gặt đập liên hợp thời gian gặt chỉ mất 90 phút với 1 công lao động (150.000 đồng/công), chi phí dầu chạy máy hết 18.000 đồng (0,75 lít x 24.000 đồng/lít). Tổng chi phí sử dụng máy là 168.000 đồng, tiết kiệm hơn 1.000.000 đồng so với việc gặt đập thủ công bằng sức người (cho 1000m2 hết 8 công, tương đương 1.200.000 đồng). Đặc biệt là đã góp phần quan trọng giải phóng sức lao động, tăng thu nhập cho nông dân, giảm chi phí cho nông dân, giảm được áp lực công lao động khi cao điểm.

Các hộ tham gia dự án nhận máy

Với mô hình này, các hộ được tiếp cận cơ giới hoá nông nghiệp, ngoài ra tổ máy có thể mở dịch vụ gặt thuê cho nông dân trên địa bàn, với giá gặt thuê thấp hơn so với các máy cá nhân họ tự mua.

Theo đánh giá chung của các hộ tham gia mô hình, máy làm gặt đập có ưu điểm gọn, không cồng kềnh, thao tác sử dụng đơn giản, tiết kiệm nhiên liệu.

Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức hội nghị tham quan, tổng kết để đánh giá kết quả đạt được của các hộ tham gia và tạo điều kiện để các hộ chưa được tham gia dự án học tập trao đổi kinh nghiệm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hội nghị tham quan tại xã, bà con nông dân được chứng kiến máy gặt đập liên hợp hoạt động thu hoạch lúa tại đồng ruộng, và ủng hộ việc thu hoạch lúa bằng máy. Bên cạnh đó, nông dân cũng quan tâm đến việc vận hành máy sao cho đạt hiệu quả, giảm tỷ lệ thất thoát.

Với những ưu điểm nổi bật của máy gặt đập liên hợp và những hiệu quả mang lại từ mô hình đã nhận được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của hầu hết các hộ nông dân. Thực tế bà con nông dân đã nhìn thấy việc đưa máy gặt đập liên hợp vào thay thế sức người làm thủ công trong việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã càng được phát huy tác dụng, có hiệu quả. Có như vậy, việc sản xuất nông nghiệp mới dần đi theo hường hiện đại hoá, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn.

Lệ Quyên - TTKN Cao Bằng