00:00 Số lượt truy cập: 3229794

Cao Phong (Vĩnh Phúc) nhân rộng mô hình nuôi thuỷ sản vùng đồng chiêm trũng 

Được đăng : 03/11/2016

Nằm cách xa trung tâm huyện, xã Cao Phong gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp, bởi điều kiện canh tác khá phức tạp, diện tích đồng chiêm trũng nhiều, hàng năm thường chỉ cấy được 1 vụ lúa, thời gian còn lại thường bị bỏ hoang. Nhằm đưa vào khai thác có hiệu quả diện tích đồng chiêm trũng và tuyên truyền, phổ biến những tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong việc chuyển đổi hình thức canh tác nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích, năm 2008 UBND xã Cao Phong đã cho triển khai áp dụng rộng rãi mô hình 1 lúa + 1 cá trên quy mô 42 ha đồng chiêm trũng của xã, với 6 hộ gia đình tham gia.


Anh Nguyễn Văn Thành, xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô đã mạnh dạn đầu tư khoanh vùng 20ha ruộng trũng sang sản xuất 1 lúa + 1 cá, năng xuất cá sau thu hoạch đạt bình quân 1 tấn/ha.

Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, 6 hộ dân tham gia mô hình đã thực hiện các biện pháp thâm canh theo một quy trình thống nhất. Với cây lúa xã đã chỉ đạo các hộ tham gia mô hình triển khai gieo cấy giống lúa thông thường hiện có như X30 theo đúng khung lịch vụ chiêm xuân năm 2008, chỉ đạo các hộ đưa 15 tấn cá giống thông thường như trắm cỏ, chép, trôi, mè trắng vào nuôi thả nhằm sử dụng hết các nguồn thức ăn sẵn có.

Bước đầu cho thấy mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Cụ thể đối với việc gieo cấy giống lúa X30 do gieo cấy đúng khung lịch thời vụ cộng với trong quá trình chăm sóc do kết hợp được nguồn phân của cá (từ cá vụ trước) do vậy việc đầu tư phân bón giảm đáng kể, cây lúa sinh trưởng phát triển hoàn toàn bình thường, ít sâu bệnh, năng suất đạt bình quân 150kg/sào, chất lượng thóc vẫn đảm bảo, không ảnh hưởng đến chất lượng gạo, màu sắc hạt thóc không thay đổi, có độ vàng đều, tỷ lệ gạo đạt bình quân 70-75% được người sản xuất chấp nhận. Do biết cách tận dụng hết các nguồn thức ăn sẵn có và các thức ăn công nghiệp nên đã bảo đảm khả năng sinh trưởng và tốc độ phát triển của cá.

Sau 1 năm triển khai thực hiện mô hình 1 lúa + 1 cá ở Cao Phong đã đạt được những kết quả bước đầu khá tốt, đã triển khai ứng dụng mô hình vào sản xuất nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, chuyển dần thói quen canh tác truyền thống kém hiệu quả sang một hình thức canh tác mới, xen canh giữa chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả kinh tế cao. Việc triển khai mô hình được chuẩn bị chu đáo, khi triển khai đã thực hiện đúng các quy định về giống lúa, các loại giống cá, mật độ thả, quy trình chăm sóc, phòng bệnh, điều tiết nước vì vậy cá phát triển, sinh trưởng tốt.