00:00 Số lượt truy cập: 3235683

Cầu Ngang (Trà Vinh): Thêm một vụ tôm bội thu 

Được đăng : 03/11/2016
Ông Dương Tấn Đởm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) cho biết, vụ tôm sú năm 2010 toàn huyện thả nuôi trên 5.500 ha, tăng so cùng kỳ khoảng 30%. Hiện tại, toàn huyện có trên 30% diện tích đã thu hoạch, số hộ có lãi chiếm trên 80%, huề vốn 12,72%, lỗ 6,4% và diện tích còn lại tỷ lệ hộ có lãi sẽ chiếm cao hơn.

Đúc kết kinh nghiệm 4 năm liền trúng tôm, nhiều hộ dân đã mạnh dạn khẳng định “Tôm từ 3 tháng tuổi trở lên, môi trường nước ổn định, tôm khỏe mạnh thì được xem là an toàn và có lãi”. Tới thời điểm này tỷ lệ tôm đạt trên 3 tháng tuổi chiếm trên 80%, nhất là những hộ thả nuôi đúng lịch, nên sản lượng tôm của toàn huyện được nhận định tăng, nông dân đang chuẩn bị đón thêm một vụ tôm bội thu.

Nhờ chủ động được lịch thời vụ

Theo nhận định của ngành chuyên môn, thời tiết trong những năm gần đây đang có hướng nghiêng về con tôm sú, cụ thể là năm 2010 nắng kéo dài, độ mặn tương đối, môi trường nước ổn định, ngành chuyên môn đã chủ động chọn lịch đúng thời vụ. Ông Dương Tấn Đởm, lý giải: Nếu như vụ tôm năm 2009 toàn huyện có khoảng 30% diện tích thả 2 vụ thì năm 2010 còn từ 10 – 15% diện tích thả 2 vụ, đa số những hộ thả 2 vụ hiệu quả không cao do không chủ động được nguồn nước mà còn lạm dụng về môi trường. Định hướng cho những vụ tới, ngành chuyên môn tuyên truyền vận động nhân dân thả tôm đúng lịch. Bởi hệ thống thủy lợi của huyện đang quy hoạch theo hướng khép kín, việc điều tiết nguồn nước sẽ mang tính tập thể, những hộ thả 2 vụ sẽ không có tính khả thi.

Qua vụ nuôi tôm sú năm 2010 nông dân đã tin tưởng vào lịch thời vụ, sự trở tay của ngành chuyên môn trong việc tiếp cận thông tin thời tiết, điều hành nguồn nước từ các kênh đầu mối đã phát huy, nhất là dự án Cánh Đồng Tây. Anh Nguyễn Văn Bẹ, ở ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông nhờ tuân thủ lịch thời vụ nên trúng tôm 3 năm liền trên vùng đất mới, tâm đắc nói:“Nuôi tôm sú không nên vội, ta nên chọn 1 vụ ăn chắc, thời gian còn lại tranh thủ cải tạo ao, học tập kinh nghiệm của những những địa phương khác, tạo môi trường và kiến thức nuôi tốt cho vụ sau”. Anh Phan Văn Hận, ở ấp 4, xã Mỹ Long Nam vừa là người nuôi tôm, vừa là đại lý bán thức ăn cho rằng, lịch thời vụ nên quy hoạch theo vùng, theo điều kiện của vùng đất, trách thực trạng thu hoạch đồng loạt, tôm sẽ “đụng chợ”. Điều này đã nằm trong định hướng của ngành chuyên môn, khi các công trình thủy lợi trọng điểm hoàn thành thì kế hoạch chọn lịch thời vụ cho tôm sú các năm tiếp theo sẽ tốt hơn.

Ước sản lượng tăng từ 20 – 25%

Qua khảo sát kết quả của những hộ thu hoạch trước và 80% diện tích ao nuôi ở giai đoạn trên 3 tháng tuổi, ngành chuyên môn đã mạnh dạn ước sản lượng tôm của toàn huyện năm 2010 sẽ tăng từ 20 – 25%. Ông Dương Tấn Đởm, nhận định: Sản lượng thu hoạch tôm sú của toàn huyện năm 2009 trên 8.200 tấn, qua đó ước sản lượng năm 2010 sẽ đạt trên 10.000 tấn. Thời gian cao điểm thu hoạch tôm của huyện bắt đầu từ trung tuần tháng 8 và kéo dài từ 15 – 20 ngày. Trung bình mỗi ngày cao điểm sản lượng thu hoạch tôm của toàn huyện đạt từ 80 – 90 tấn/ngày, trong khi điều kiện thu mua của các doanh nghiệp trong tỉnh chỉ tiếp nhận từ 50 – 60 tấn/ngày, nên nguy cơ tái diễn trường hợp “chờ” bán như vụ tôm năm 2009. Hiện tại, ngành chuyên môn đang khuyến cáo nông dân thu hoạch theo đợt, theo vùng tránh tình trạng cung lớn hơn cầu tôm sẽ “đụng” chợ. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng, người nuôi tôm đôi lúc không chủ động được thời gian thu hoạch, nhất là trong điều kiện nhạy cảm, trong khi giá tôm đầu mùa đang hấp dẫn. Anh Nguyễn Văn Bẹ, ở ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông vừa thu hoạch ao tôm 5000 m2 mặt nước theo hình thức nuôi bán thâm canh, ước năng suất trên 2 tấn, trừ chi phí lãi trên 200 triệu đồng, anh bộc bạch: “Kinh nghiệm từ các năm trước, khi thu hoạch tôm vào thời điểm chính vụ giá tôm thương phẩm có khuynh hướng giảm, nhất là đụng chợ với các ao tôm công nghiệp, trong khi điều kiện thu mua của các doanh nghiệp khó hơn”. Hiện tại, những hộ thu hoạch trước, tôm được thương lái chào giá 165.000 đồng/kg (19 con/kg), 150.000 đồng/kg (23 con/kg), 132.000 đồng/kg (32 con/kg)… so cùng kỳ giá tăng 20%, nhiều hộ đang tranh thủ thu hoạch.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, sản lượng tôm của huyện Cầu Ngang sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Hiện tại, toàn huyện có khoảng 20% diện tích nuôi công nghiệp, khi các dự án Cánh Đồng Đoan, Rẫy Cá Kèo, Cánh Đồng Trà Côn, Tầm Vu Lộ hoàn thành dự kiến diện tích nuôi tôm toàn huyện sẽ tăng lên 8.000 ha, điều kiện nuôi tôm sú của Cầu Ngang về sau sẽ tốt hơn.