00:00 Số lượt truy cập: 2676094

Cây mía Cù Lao Dung lao đao vì trễ vụ 

Được đăng : 03/11/2016

Hiện nay, nông dân huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vẫn còn hơn 1.300 ha mía chưa thu hoạch được, trong khi đã trễ thời vụ, thời tiết có mưa nhiều. Trong số này có đến 2/3 diện tích không có hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy, nông dân phải tự tìm mối bán và gặp rất nhiều khó khăn.


Dì Trương Thị Hưởng ở ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân I, huyện Cù Lao Dung, than thở: “Tôi kêu bán ruộng mía cả tháng nay rồi nhưng chưa bán được. Cả 10 công mía đã “chín” phải neo lại trên đồng, thương lái không chịu mua vì không có nhân công đốn. Mấy bữa nay mưa nhiều, mía không đốn được là bỏ luôn. Tôi lo quá!”.

Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều nông dân trồng mía ở huyện Cù Lao Dung. Giá mía cuối vụ không tăng, nhân công khan hiếm trong khi cây mía đã quá tuổi thu hoạch, gặp thời tiết mưa nhiều nên chữ đường giảm. Những ruộng mía không có hợp đồng tiêu thụ, nông dân lại gặp nhiều bất lợi về giá cả do thương lái ít mua nguyên rẫy mía mà mua theo khối lượng cân được tại nhà máy và tính theo giá thỏa thuận tại rẫy. Bán mía theo hình thức này, nông dân chỉ bán được với giá từ 270-280 đồng/kg.

Giá mía ngày càng giảm, người trồng mía ở Cù Lao Dung ngày càng lao đao!

Hiện tại, giá mía nguyên liệu công ty mía đường Sóc Trăng thu mua tại rẫy ở mức 340 đồng/kg đối với mía đạt 10 CCS. Tuy vậy, chỉ có một số ít nông dân bán được giá này. Nguyên nhân do các rẫy mía hiện đã quá tuổi thu hoạch, khi thời tiết mưa nhiều, cây mía hút nhiều nước nên rớt chữ đường. Phần lớn các rẫy mía thu hoạch hiện tại chỉ đạt cao nhất là 9 CCS, trong khi tỷ lệ tạp chất lại tăng do mía đổ ngã. Chú Nguyễn Văn Hồng, ở ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân I, xót xa nói: “Chữ đường giảm nhiều lắm. Vụ này nông dân cầm chắc bị lỗ rồi. Hổm rày bà con ở đây ai đến nhà máy cân mía về cũng cho biết bị rớt chữ đường”.

Giá nhân công đốn, vận chuyển mía hiện nay cũng đã tăng lên khoảng 200.000 đồng/công. Tình trạng thu hoạch diễn ra chậm như hiện nay không chỉ gây khó khăn cho nông dân trong vụ mía này mà còn ảnh hưởng đến thời vụ gieo trồng cho vụ mía sau. Trong khi đó, việc hỗ trợ nông dân tháo gỡ khó khăn trong thu hoạch của cơ quan chức năng vẫn chưa có những giải pháp thiết thực. Ông Hồ Thanh Kiệt, Phó Phòng Kinh tế huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Phòng đã có gửi công văn xuống các xã, yêu cầu các địa phương đôn đốc bà con đẩy nhanh tiến độ thu hoạch”.

Còn ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Công ty mía đường Sóc Trăng, nói: “Công ty dự định kết thúc vụ sản xuất vào cuối tháng 5, nhưng do diện tích mía ở Cù Lao Dung còn nhiều nên nhà máy cố gắng hoạt động đến giữa tháng 6 này. Máy móc thiết bị của nhà máy đã hoạt động xuyên suốt trong niên vụ vừa qua, đang rất cần duy tu bảo dưỡng”.

Những khó khăn mà nông dân trồng mía ở Cù Lao Dung đang gặp là hệ quả tất yếu của tình trạng tăng diện tích trồng mía ồ ạt khi giá mía nguyên liệu tăng ở nhiều địa phương. Chỉ riêng huyện Cù Lao Dung, diện tích trồng mía đã tăng từ 6.500 ha vụ trước lên 8.000 ha trong vụ này. Do đó, dù Phòng Kinh tế huyện Cù Lao Dung đã tăng cường vận động các nhà máy trong vùng ký kết hợp đồng tiêu thụ mía cho nông dân cũng chỉ có 4.500 ha được ký kết hợp đồng.