00:00 Số lượt truy cập: 2679169

Cây na ở Lạng Sơn trước nguy cơ thoái hóa 

Được đăng : 03/11/2016
Sau hơn 20 năm trồng và phát triển, cây na dai đã thật sự trở thành cây mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của Lạng Sơn. Nhưng những năm gần đây, người dân lo lắng cho tương lai của cây "xóa đói giảm nghèo" này bởi ở nhiều vườn cây đã có những dấu hiệu suy thoái của cây na.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cây na dai mới được một vài hộ dân ở xã Chi Lăng (Chi Lăng, Lạng Sơn) đem ở Hoài Ðức (Hà Tây) về trồng thử. Ai ngờ cây na dai lại có duyên bén rễ, cho nhiều quả ngọt trên những mảnh đất đá vôi này. Cây na lại dễ trồng, chỉ sau ba năm đã cho quả, có giá trị kinh tế cao. Tiếng lành đồn xa, nhiều hộ dân quanh vùng bắt đầu tự gieo ươm trồng. Cây na bắt đầu "lên ngôi", trở thành cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân.

Từ đó, cây na liên tục được mở rộng diện tích đến nhiều xã dọc khu di tích lịch sử Chi Lăng, gồm các xã: Chi Lăng, thị trấn Chi Lăng, Quang Lang, Ðồng Bành, Mai Sao, với diện tích hàng nghìn ha. Ðến nay, không chỉ các xã dọc ven dãy núi Cai Kinh của huyện Chi Lăng trồng, mà nhiều xã của huyện Hữu Lũng cũng đem cây na về trồng trên vùng núi đá. Thấy được tiềm năng đó, các xã và huyện đã quy hoạch thành vùng trồng na.

Ðến nay, theo con số thống kê chưa đầy đủ diện tích trồng na của cả hai huyện đã lên tới hơn 1.800 ha, sản lượng bình quân hơn 5.500 tấn/năm; tổng giá trị thu nhập từ 50 đến 60 tỷ đồng. Vào vụ thu hoạch cả một vùng quê trên đất ải Chi Lăng luôn tấp nập, nhộn nhịp kẻ mua người bán và những đoàn xe chở na hối hả ngược xuôi.

Nổi bật là tại xã Chi Lăng, có 80% số hộ gia đình trồng na, bình quân diện tích trồng na của mỗi hộ từ 0,5 đến ba ha. Chủ nhiệm Hợp tác xã na thôn Ðồng Ðĩnh, xã Chi Lăng Nguyễn Văn Long, cho biết: Hợp tác xã mới thành lập có 50 xã viên, làm nhiệm vụ chủ yếu cung ứng giống na, phân bón, đến mùa thu hoạch thu gom tiêu thụ sản phẩm. Mỗi hộ xã viên mỗi năm cho thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên. Riêng gia đình anh Long trồng na từ năm 1984, hiện có một nghìn cây na đã cho thu nhập, mỗi năm từ 30 đến 40 triệu đồng/năm.

Có thể khẳng định sau hơn 20 năm trồng và phát triển, cây na dai đã thật sự trở thành cây mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng của hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng và là cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ. Vì thế, diện tích trồng na cơ bản đã được bà con các dân tộc trồng phủ kín trên đồi núi đá vôi khô cằn hoang dại, hoặc ở lân lũng, vườn rừng. Nhưng so với nhiều loại cây trồng khác, cây na chỉ phát triển duy nhất và cho quả có chất lượng ở các xã dọc quốc lộ 1A, với chiều dài hơn 10 km. Còn nhiều nơi khác có trồng, nhưng chất lượng quả kém, hoặc không phát triển.

Cây na lại có giá trị kinh tế cao đã trở thành cây "đặc sản" niềm tự hào của người dân Chi Lăng và Hữu Lũng. Nhưng vài năm gần đây, người dân lại đang đứng trước băn khoăn lo lắng, cho tương lai của thứ cây đã từng là vị cứu cánh cho xóa đói, giảm nghèo. Bởi ở nhiều vườn cây đã có những dấu hiệu suy thoái của cây na. Ðiều dễ nhận thấy là quả na ngày càng nhỏ quăn queo, méo mó; nhiều quả lại xám đen một góc, được bán theo mớ với giá như cho không. Nguy hiểm hơn là mặc dù bà con tích cực phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, nhưng cây cứ ngày càng còi cọc, lá nhỏ lại rụng chết dần từng cây, từng đám không rõ nguyên nhân. Giám đốc Xí nghiệp giống lâm nghiệp vùng Ðông Bắc Hoàng Lê Minh cho biết: Nhiều xã có đề nghị xem xét, đơn vị đã cử người kiểm tra, bước đầu mới sơ bộ nhận xét về nguyên nhân:

Thứ nhất là, do ham về lợi ích kinh tế, người dân đã trồng quá dày, nhiều chỗ cây chỉ cách nhau trên dưới hai mét, dẫn đến thiếu không gian dinh dưỡng, ánh sáng không đủ lại gặp năm mưa nhiều, độ ẩm không khí cao phát sinh nấm bệnh, rệp hại cây làm cây suy yếu đi nhanh chóng, đem lại quả nhỏ và cuối cùng là chết.

Thứ hai là, nguyên nhân dinh dưỡng, đất trồng na chủ yếu là ven núi đá vốn có tầng canh tác mỏng, hằng năm lại không bón đủ lượng phân hữu cơ bị tiêu hao do cây hấp thụ cũng như rửa trôi do mưa rào. Một số hộ có bón phân vô cơ với tính toán bổ sung chất dinh dưỡng đa dạng cho đất, nhưng đây chính là nguyên nhân làm mất cân đối dinh dưỡng dẫn đến cây na không hấp thụ được, đất bị chai nên cây lá nhỏ đi, sức chịu chống với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.

Thứ ba là, do quy trình chăm sóc: gồm số lượng phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh; kỹ thuật vun xới, tỉa cành tạo tán, tỉa quả, trồng xen xoài để hạn chế sâu bệnh, hầu như người dân chưa chú trọng, mà chỉ lo khai thác triệt để nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng quả na.

Có được một vùng na như ngày nay là cả một quá trình xây dựng, tìm tòi đóng góp của nhiều người dân đã trồng nên những vườn na trở thành vùng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao đời sống. Nhưng để khắc phục những hạn chế nêu trên, các cấp, chính quyền địa phương nhất là các ngành chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều giải pháp như: hỗ trợ tư vấn hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, chế biến bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, cây na mới tiếp tục đứng vững và phát triển thành một trong những cây đặc sản của huyện và tỉnh.