Chấn Hưng là một trong những xã điển hình trong phong trào này. Khi nông nghiệp là "gôc"... Có thể nói, đất Vĩnh Tường rất thích hợp với việc làm nông nghiệp bởi “phông nền” chủ yếu là đất màu, đất lúa và đất bãi. Vì vậy, không riêng Chấn Hưng mà phần lớn các xã trong huyện, nông nghiệp chiếm tới 65-70% trong cơ cấu nền kinh tế. Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp nhưng đến bây giờ, bà con Chấn Hưng mới “vỡ lẽ”, muốn làm nông nghiệp hàng hoá, chất lượng cao thì phải thay đổi cách làm ăn cũ, nhỏ lẻ, manh mún. Ông Nguyễn Xuân Phiến, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đã có Nghị quyết phát triển nông nghiệp cho từng vùng trong xã rất cụ thể, chủ yếu đưa các loại cây - con có giá trị kinh tế cao, bền vững vào sản xuất. Đồng thời tuân thủ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật cho cả 2 mảng: trồng trọt và chăn nuôi”. Ở mảng trồng trọt, Chấn Hưng chủ yếu đưa vào các giống cây có sức hút trên thị trường như: ớt cay, mướp đắng, bí đao. Đến thăm hộ ông Trần Đại Nghĩa ở xóm Thành Công, chúng tôi được biết, gia đình ông có 2 sào đất ruộng chuyên trồng mướp đắng. Những năm trước, ông chỉ làm theo kinh nghiệm “cha truyền con nối”. Vì vậy, cũng diện tích ấy, cũng trồng 3 vụ/năm, nhưng ông Nghĩa chỉ thu được 6 triệu đồng/năm. Từ năm 2008 đến nay, nhờ áp dụng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăm bón cây trồng, phát hiện và phun thuốc trừ bệnh kịp thời nên thu nhập đạt 13- 14 triệu đồng/năm. Ngoài ra, xã còn khuyến khích người dân phát triển mô hình trồng lúa cao sản, ngô nếp, thu được kết quả khả quan, tạo không khí phấn chấn và là nguồn khích lệ bà con trong sản xuất. Ở mảng chăn nuôi, hộ các ông Nguyễn Văn Bắc, Nguyễn Văn Thuỷ ở thôn Yên Nội có thu hàng trăm triệu đồng/năm nhờ chăn nuôi chim cút, gà thịt, gà đẻ. ông Bắc cho biết, gia đình nuôi trên 2 vạn chim cút, ngoài việc chăm sóc theo cách truyền thống, ông còn thường xuyên trao đổi với bác sỹ thú y để biết cách chữa bệnh một cách khoa học. Đến thăm trang trại gà 1.000m2 với 3.000 con gà đẻ của gia đình ông Nguyễn Văn Thuỷ, chúng tôi thấy, chuồng trại sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát; có chế độ ăn uống riêng cho gà siêu trứng; kết hợp với tiêm phòng đúng lịch, đầy đủ nên gà khoẻ mạnh, đẻ nhiều và ít bệnh tật. Ông Thuỷ cho biết: “Tôi học những điều này ở lớp tập huấn của xã, học sao làm thế nên mấy năm nay ít gặp rủi ro, thu nhập ngày một tăng”. Nhiều bà con chăn nuôi ở Chấn Hưng cho biết, nhờ có các chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức một cách rộng rãi nên chăn nuôi đang trở thành nghề chính ở Chấn Hưng. “Cán bộ nào, phong trào ấy” Phải nói, trong cơ chế thị trường, đầy rẫy các kênh thông tin đến với bà con nhưng đội ngũ, cán bộ cơ sở rất quan trọng. Họ chính là “cầu nối” của nông dân với phong trào, với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những điều quan trọng này, bước đầu, chúng tôi đã ghi nhận được ở Chấn Hưng. Cũng theo ông Phiến, lãnh đạo xã thường xuyên xây dựng kế hoạch và tổ chức điều hành sát sao trong việc phát triển kinh tế của địa phương, nhất là bám sát đồng ruộng, cùng bà con ngăn chặn và xử lý kịp thời các loại sâu bệnh, dịch bệnh phá hoại. Phối hợp với các cấp chính quyền, mở các lớp dạy nghề để bà con sau khi theo học có việc làm ổn định. Năm 2008, xã đã mở được 8 lớp học dài hạn, trong đó có 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi, 4 lớp kỹ thuật trồng trọt, với gần 500 người tham gia. Năm 2009, sẽ tổ chức 13 lớp. Hiện, nhiều học viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề. Từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa cán bộ cơ sở và bà con nông dân ở Chấn Hưng, thiết nghĩ, các địa phương khác, nếu có cách làm tương tự, chắc chắn sẽ sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới. |