Hiện ngành chăn nuôi Hải Dương tăng trưởng bình quân 8,9%/năm, giá trị chăn nuôi đạt 30,5% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp. Tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi những năm gần đây đạt từ 1000-1.500 tỷ đồng/năm.
Chăn nuôi trang trại tập trung (CNTT) ở Hải Dương chủ yếu là chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm, với phần lớn là các giống công nghiệp cao sản như: lợn thịt, bò lai sind và các giống gà Tam Hoàng, Lương Phượng; vịt Anh Đào, ngan Pháp. Nét nổi bật trong phát triển CNTT của tỉnh là một số địa phương đã hình thành một số khu CNTT, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến, giết mổ phát triển. Trên địa bàn toàn tỉnh đã hình thành các phương thức tổ chức sản xuất mới trong ngành chăn nuôi như: HTX chăn nuôi Nam Sách, liên minh HTX, Câu lạc bộ trang trại và “Hội” chăn nuôi lợn nạc Kim Thành đã góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển có hiệu quả, bền vững và nhiều trang trại CNTT làm ăn hiệu quả.
Bên cạnh những ưu điểm, CNTT ở Hải Dương vẫn còn mang tính tự phát; quy mô nhỏ bé, mang tính kinh tế trại, kinh tế hộ nhiều hơn là kinh tế trang trại trên 3 mặt: vốn, trình độ chủ trang trại, số lượng lao động do người dân đã quen với việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, chưa có nhận thức tốt về quy mô chăn nuôi lớn. Việc cấp từ 4-5 ha đất để xây dựng trang trại cũng “khá căng” vì quỹ đất hạn chế; ngoài ra còn khó khăn về giống, vốn đầu tư. Vì thiếu vốn, có chủ trang trại buộc lòng phải chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài theo kiểu “lấy công làm lãi”...
Thời gian tới, để phát triển CNTT hiệu quả, Hải Dương tập trung phát triển 3 loại vật nuôi có thế mạnh là lợn, bò và gia cầm; có chính sách quy hoạch đất đai, định hướng lâu dài, ổn định các vùng chăn nuôi công nghiệp, tập trung đến tận huyện, xã; chú trọng chuyển đổi diện tích đất canh tác kém hiệu quả, nhất là các vùng trung du, đồi gò sang phát triển CNTT. Đổi mới về chính sách cho vay tín dụng như tăng hình thức cho vay trung hạn, dài hạn, thế chấp bằng tài sản hình thành sau đầu tư, liên doanh, liên kết cùng đầu tư giữa ngân hàng và các chủ trang trại CNTT. Bố trí sản xuất chăn nuôi phải gắn với việc xử lý các chất thải, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đối với giải pháp kỹ thuật, cần tiếp tục sử dụng giống vật nuôi có năng suất chất lượng tốt; thức ăn chăn nuôi công nghiệp phải đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý; xây dựng chuồng trại, thiết bị tiến tiến phù hợp với từng loại vật nuôi và đặc điểm khí hậu của từng vùng.