00:00 Số lượt truy cập: 3232609

Chánh Trạch 1 (Mỹ Thọ - Phù Mỹ - Bình Định): Người trồng bí đao ''mở cờ trong bụng'' 

Được đăng : 03/11/2016
Có lẽ ở nước ta, không vùng đất nào sản sinh ra những quả bí đao khổng lồ như Bình Định. Một thời, bí đao “ngoại cỡ” ế ẩm, người dân chán nản bỏ không muốn trồng. Nay thương lái đến tận nơi thu mua với giá “trong mơ”, người dân lại hào hứng phục hồi vườn bí vang danh một thuở.

Bí đao “ghi net”

Lão nông Cao Chư ở thôn Chánh Trạch 1, xã Mỹ Thọ (Phù Mỹ – Bình Định) tâm sự: “Tôi đã trồng bí đao trọn đời làm nông của mình và rất tự hào về những quả bí đao khổng lồ mà mảnh đất này sinh ra nhưng không biết tại sao nó lại to đến thế”.

Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi đứng trước vườn bí đao của ông Nguyễn Văn Triều ở thôn Chánh Trạch 1. Giàn bí rộng khoảng 250m2 nhưng có đến hơn 40 quả bí đao khổng lồ, quả nặng nhất lên tới 50kg. Chị Nguyễn Thị Thu Yến, con gái ông Triều đang chăm sóc bí đao, thấy chúng tôi trầm trồ thán phục, chị cho biết: “Cách trồng và chăm sóc bí đao của người dân Chánh Trạch 1 cũng như mọi nơi, chỉ khác là giàn phải làm thật vững chắc. Khi bí ra quả, phải gia cố thêm tre. Quả lớn phải dùng dây làm “võng” đỡ, nếu không muốn quả bị đứt cuống”.

Anh Dương Công Trực ở thôn Chánh Trạch 2 bật mí: “Trồng bí đao bán được tiền là chuyện tất nhiên, nhưng thứ nước tiết ra từ dây bí đao cũng là thuốc “có một không hai” đấy, nó có thể trị các bệnh băng nhiệt, sởi, viêm đường tiết niệu và giải rượu”. Chị Nguyễn Thị Mười, Bí thư Chi bộ thôn Chánh Trạch 2 cho biết: “Sau khi thu hoạch hết quả, cắt dây bí cách mặt đất khoảng 1m rồi hứng lấy nước chảy ra. Thường mỗi dây cho từ 1 - 2 lít. Nước bí cất vào can nhựa để trên 20 ngày cho lắng lại rồi uống. ở Chánh Trạch, nhà nào cũng để dành nước bí để con cháu uống mỗi khi có bệnh.

Đã có đầu ra cho bí khổng lồ

Quả to là vậy nhưng trước đây, bí đao Chánh Trạch gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ, lý do cũng vì cái sự “quá khổ” này. Chị Lê Thị Hằng, người chuyên buôn bán mặt hàng rau quả cho biết: “Nhìn những quả bí to đến 50kg thì thích mắt thật, nhưng mua nó để bán thì chúng tôi không dám. Trong một buổi chợ không thể bán hết 50kg bí, để đến hôm sau thì ế vì quả đã héo. Chúng tôi chỉ thích mua quả từ 20kg trở xuống, thế nhưng ở làng này, tìm mua bí đao trái nhỏ khó lắm vì quả nào cũng nặng đến 40 - 50kg”.

Do khó tiêu thụ nên người dân Chánh Trạch không mặn mà với việc nhân rộng diện tích bí đao, chỉ trồng để phục vụ nhu cầu của gia đình. Thời gian qua, giá bí chỉ dao động từ 1.000 - 1.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Triều cho biết: “Nhiều năm liền, thời điểm được giá nhất cũng đạt 1.500đồng/kg. Để làm bí đao nhỏ lại, chúng tôi phải xuống giống trái vụ và trồng chung với bầu. Thế nhưng, xuống giống vào tháng 8, 9 hoặc tháng 10 âm lịch thường gặp mưa lớn nên dây bí bị thối. Cũng vì thế, dù việc trồng bí đao có ở làng này từ xưa nhưng chưa ai nghĩ đến việc thâm canh thành vùng hàng hoá”.

Thật may, bí đao khổng lồ Chánh Trạch cũng có ngày được thị trường chấp nhận. Ông Nguyễn Ngọc Tuyên, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ cho biết: “Mới đây, một nữ doanh nhân ở TP. Hồ Chí Minh ra Chánh Trạch tìm mua bí đao. Nhu cầu lớn nên người dân không còn sợ ế ẩm. Giá bí cũng tăng vọt từ 1.500 đồng/kg lên 4.500 đồng/kg. Hiện nay các giàn bí đao ở đây đã “sạch” trái, nhà vườn chỉ giữ lại vài trái để lấy hạt giống”.

Ông Triều cho biết thêm: “Đồng đất Chánh Trạch trồng bí đao cho quả to dễ hơn quả nhỏ. Nếu thị trường tiêu thụ mạnh và chỉ chuộng những quả khổng lồ, chúng tôi sẽ đầu tư vào sản xuất nhiều hơn”. Chờ bao năm mới có được ngày này, người trồng bí đao vui như “mở cờ trong bụng”.