00:00 Số lượt truy cập: 3227375

Chỉ nên xịt thuốc khi có từ 3 con rầy nâu trên 1 tép lúa 

Được đăng : 03/11/2016
Trong thời gian gần đây, do rầy nâu là môi giới truyền virus làm lây lan bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá lúa không có thuốc trị cũng như không có thuốc để xịt ngừa, gây thiệt hại rất nặng nề ảnh hưởng lớn đến đời sống của đại đa số người nông dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực của quốc gia.

Chính vì lẽ đó mà hiện nay để tránh được bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, nhiều nông dân không tiếc tiền, cứ bỏ tiền ra mua thuốc về trộn vào hạt giống để rải, mua thuốc để phun ngừa, chỉ thấy có khoảng vài chục hay vài trăm con rầy/m2 cũng mua thuốc diệt trừ cho bằng được. Theo các nhà chuyên môn thì sử dụng như vậy là không đạt được hiệu quả cao mà ngược lại còn gây ô nhiễm môi trường, tăng cao thêm vốn đầu tư, giảm đi nguồn lãi, đồng thời ảnh hưởng lớn các loài thiên địch quý giá trên đồng ruộng... Nếu như ta sử dụng thuốc không đúng kỹ thuật.

Đồng ý là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là do virus gây ra mà môi giới làm lan truyền bệnh là rầy nâu, do đó phải diệt trừ rầy nâu một cách triệt để. Như thế, cũng không có nghĩa là phải thường xuyên mua thuốc để ngừa hoặc phát hiện rầy ở mật độ thấp cũng phải xịt thuốc một cách bừa bãi. Mà biện pháp trừ rầy nâu ở đây chủ yếu bằng kỹ thuật canh tác là chính như: Chọn giống lúa tốt ít nhiễm rầy nâu, sạ mật độ lúa giống thưa vừa phải theo hướng dẫn của ngành Nông nghiệp, xuống giống thật tập trung, đồng loạt cho từng vùng, bố trí thời vụ thật hợp lý theo khuyến cáo của ngành Bảo vệ thực vật, nhất là áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh né không cho rầy đẻ trứng trong ruộng như sau: Đối với các diện tích lúa sạ mọng (sạ gác) thì nên xuống giống ngay thời điểm rầy nâu trưởng thành rộ. Đối với các diện tích sạ ngầm thì phải chờ cho đến khi rầy trưởng đẻ trứng xong vừa chết hết mới được cho nước rút từ từ ra khỏi ruộng để cây lúa dần dần ló đọt lên khỏi mặt nước (tránh trường hợp tháo nước quá nhanh cây lúa yếu sẽ bị đổ ngã). Đối với các diện tích lúa đã lỡ được sạ trước đó khi rầy trưởng thành, lúa đã được khoảng từ 5-25 ngày tuổi, cây lúa còn nhỏ thì nên bơm nước vào ruộng ngập sâu trên chản ba của cây lúa, chỉ chừa lại có chót lá lúa là được ló đọt lên khỏi mực nuớc trước khi rầy chưa bay đến ruộng đẻ trứng. Đối với các diện tích lúa đã bị rầy đẻ trứng rồi, cũng nên giữ mực nước ngập sâu trong ruộng để khống chế tỷ lệ trứng rầy nở. Đối với các diện tích lúa gieo sạ được từ 27-30 ngày tuổi trở lên thì thường xuyên tháo cạn nước trong ruộng không cho rầy vào đẻ trứng. Ngoại trừ giai đoạn bón phân rước đòng, giai đoạn trổ là nên để mực nước trong ruộng từ 3-5 cm để tạo điều kiện cho lúa tượng đòng, trổ. Nên tiến hành giặm lúa ngay thời điểm rầy còn đang nằm trong trứng, thời gian giặm phải thật gọn và giặm rễ lúa phải còn dính nguyên cục đất thì lúa mới không bị mất sức... Bón vôi hợp lý đúng kỹ thuật, bón phân thật cân đối NPK, tránh trường hợp lúa bị thừa đạm, thiếu lân, thiếu kali, điều tiết nước tưới tiêu thích hợp cho từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây lúa... Giúp ruộng lúa tốt, khỏe mạnh, tăng sức đề kháng cao với sâu bệnh hại, điều kiện bất lợi của thời tiết... Nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá... Nếu như đã áp dụng chặt chẽ liên hoàn đầy đủ nhiều biện pháp kỹ thuật mà rầy vẫn xảy ra, đến lúc phải trừ rầy thì phải dùng thuốc theo phương pháp 4 đúng như sau:

Đúng loại: Là sử dụng đúng các loại thuốc đặc trị rầy nâu, không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng đến thiên địch nhất như: Bassa, Mipcin, Trebon, Applaud, Actara, Admire, Osin... hoặc sử dụng các loại thuốc khác hay phối kết hợp thuốc theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật bảo vệ thực vật.

Đúng lúc: Khác với điều kiện bình thường là khi có từ 5-10 con rầy/tép lúa trở lên và phải chờ khi rầy chuyển sang tuổi 2, tuổi 3 mới xịt. Trong điều kiện có dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá là nên xịt thuốc sớm hơn, khi rầy đang tuổi 1 có ít con rầy tuổi 2 (tức là có nhiều con rầy màu trắng, ít con rầy có màu hơi vàng vàng) và phải có khoảng từ 3 con rầy/tép lúa trở lên thì phải xịt thuốc trừ rầy ngay.

Đúng cách: Là phải xịt thuốc đúng nơi rầy đậu để thuốc bám dính được rầy, thì hiệu quả mới cao. Nên bơm nước thêm vào ruộng cho rầy tập trung lên ngọn lúa xịt dễ trúng rầy hơn. Đối với các diện tích lúa cao cây rậm rạp thì nên phân lúa ra thành từng lối nhỏ từ 1,5-2m để xịt, phun thật kỹ, đều lúc trời mát. Tránh bị mưa rửa trôi làm mất hiệu lực của thuốc.

Đúng nồng độ và liều lượng: Là sử dụng đúng lượng thuốc quy định trên 1 ha. Xịt đúng lượng nước quy định trên 1 đơn vị diện tích (Đối với rầy nâu thì phải phun lượng nước thấp nhất 20-25 bình xịt 16 lít trở lên).