00:00 Số lượt truy cập: 3228227

“Chìa khóa” chống biển xâm thực 

Được đăng : 03/11/2016
Bằng việc khuyến khích ngư dân mở rộng diện tích trồng cây muống biển dọc triền đê và quanh ao hồ nuôi tôm, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị dường như tìm ra được “chìa khóa” chống biển xâm thực để phát triển kinh tế bền vững.

Vành đai chắn sóng biển

Xã Triệu Lăng có 7,5km bờ biển và hơn 100ha ao hồ nuôi trồng thủy hải sản. Trước đây, mưa bão hoặc gió Nam thổi mạnh, ở vùng ven biển này thường xuyên đối mặt với tình trạng cát bay, cát nhảy làm xói lở đê biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và công việc làm ăn của người dân. Nhưng từ năm 2010, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, khuyến khích bà con nuôi trồng thủy sản tìm kiếm cây muống biển về cấy dọc mặt đê biển và khắp các bờ hồ nuôi trồng thủy sản nhằm phát triển kinh tế bền vững. Ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Lăng phấn khởi, muống biển còn có tên cỏ chân dê, mã an đằng, nhị diệp hồng thự…

Loài thực vật thuộc họ khoai lang, tên khoa học Convolvulaceae, sống nhiều năm, mọc bò lan trên mặt đất, cây bò đến đâu, rễ mọc đến đấy. Hạt phát tán trôi theo dòng nước biển, rồi mọc trên các bãi và cồn cát. Loài cây này có ưu điểm lớn nhanh, vươn bám dày đặc như tấm bê tông khổng lồ chắn gió biển cuốn cát bay, cát nhảy và cả những con sóng dữ đã góp phần bảo vệ hệ thống đê biển và giữ bờ ngăn ao hồ nuôi tôm. Đồng thời, lá và rễ cây phủ kín giữ độ ẩm cho đất, góp phần cải thiện môi trường sinh thái cũng như tận dụng làm thức ăn nuôi dê và thỏ.

Xây nhà tránh lũ cho heo

Sau những đợt lũ lớn kéo dài trong tháng 10 và đầu tháng 11-2013 vừa qua, chúng tôi trở lại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, nơi được xem là rốn lũ tại Quảng Trị. Các con sông lớn lũ đã rút, nhưng đường làng ngõ xóm ở đây vẫn ngập nước. Những bậc cao niên cho biết, nhờ mô hình xây nhà tránh lũ cho heo mà kỳ này chống lũ đỡ cực. Hỏi ra mới hay, xã Hải Quế - địa phương dẫn đầu Quảng Trị về tốc độ phát triển đàn heo thịt. Nhưng địa hình thấp trũng, mưa lũ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 12 mỗi năm khiến việc chăn nuôi tại đây gặp rất nhiều khó khăn do chuồng trại ngập lụt, dịch bệnh phát sinh. Dự án biến đổi khí hậu của Trung tâm Phát triển miền Trung tiến hành khảo sát, điều tra xác định nhu cầu người dân địa phương. Nhiều khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi thu hút hàng trăm hộ dân tham gia.

Đặc biệt, dự án đã chọn 11 hộ dân nhà ở vùng thấp trũng ven sông để hỗ trợ kinh phí 25 triệu đồng/hộ xây nhà tránh lũ cho heo. Theo đó, chuồng nuôi heo xây dựng theo mẫu thiết kế vừa tránh lũ lụt vừa có khả năng chống nắng nóng, nhiệt độ cao vào mùa hè. Bà Nguyễn Thị Phô, ở thôn Kim Long, xã Hải Quế là hộ được hưởng lợi từ dự án xây nhà tránh lũ cho heo, cho biết, ngoài việc chọn vị trí cao ráo, nền chuồng nuôi heo đắp cao hơn so với mặt đất trên 1m. Những vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt lớn, chuồng heo còn làm thêm một ô sàn bằng gỗ để tránh lụt lớn cao 0,8m so với nền chuồng. Ô sàn như một gác lửng nằm giữa chuồng nuôi với diện tích 2,2m2.

Trời nắng, ô sàn này làm nơi dự trữ thức ăn nuôi heo. Nhưng thời tiết lụt lội, heo được đưa lên ô sàn này bằng một tấm đà (cầu thang) lắp bám chắc vào thành sàn, với độ dốc thoải đảm bảo cho heo đi lên ô sàn dễ dàng. Nước lũ vào chuồng, người chăn nuôi chỉ việc rải thức ăn dọc theo cầu thang, heo ăn dần mà tự đi lên sàn… Trước đây, ở vùng ven sông này, lũ mà ập về thì người chạy không kịp nói gì đến vật nuôi. Người dân không dám nuôi heo vì sợ lũ cuốn trôi. Nhưng từ ngày có chuồng trại cao ráo, nhà nhà đều mạnh dạn đầu tư chăn nuôi với quy mô lớn hơn để làm giàu.

Trao đổi với PV Báo SGGP về mô hình xây nhà tránh lũ cho heo, bà Trần Thị Lựu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Quế nhìn nhận, đây là sáng kiến phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Nhiều gia đình trong xã không sợ mất gia súc trong những ngày xảy ra lũ lụt đã mạnh dạn đầu tư phát triển thêm, đến gần Tết Nguyên đán sẽ xuất bán với giá heo thịt cao hơn ngày thường từ 1,2 - 1,5 lần, tạo thu nhập ổn định. Dự án triển khai hỗ trợ 11 hộ gia đình nhưng hiệu ứng lan tỏa về mặt nhận thức của bà con trong việc làm chuồng trại chăn nuôi tránh lũ là rất lớn; mở ra hướng xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương và các xã lân cận.

VĂN THẮNG - HỒNG LĨNH