Chợ Lách: Chú trọng sản xuất cây trái VietGAP
Được đăng : 03/11/2016
Trước đây, kinh tế vườn ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) chủ yếu được hình thành từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đầu ra lại gặp khó khăn, thiếu thông tin về quy mô, sản lượng, giá cả, dẫn đến tình trạng sản xuất theo phong trào, vừa thiếu lại vừa thừa. Vì vậy, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP sẽ từng bước giải quyết được những khó khăn này.
Thời gian qua, huyện Chợ Lách đã tập trung xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) cho một số chủng loại cây trái chủ lực. Kết quả là đã có trên 70ha cây trái đạt chứng nhận GlobalGAP, trong đó có 28,64ha chôm chôm ở xã Phú Phụng. VietGAP có 19ha măng cụt ở xã Long Thới; 8,67ha bưởi da xanh ở xã Hòa Nghĩa; 14,35ha sầu riêng ở xã Sơn Định; ngoài ra còn có 15ha chôm chôm ở ấp Tân Thới (xã Sơn Định) chuẩn bị đăng ký chứng nhận. Tuy nhiên, do nhà vườn ở địa phương đi lên từ nền sản xuất nhỏ lẻ nên việc áp dụng GAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một quá trình rất khó khăn, đòi hỏi phải có thời gian.
Nhìn chung, trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành được một số mô hình GAP, nhưng hạn chế lớn nhất hiện nay là thị trường tiêu thụ. Do thị trường xuất khẩu không ổn định, thị trường trong nước lại chưa minh bạch giữa sản phẩm an toàn được chứng nhận và sản phẩm không rõ nguồn gốc nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP chưa được “ưu tiên” trong giá cả, trong khi chi phí sản xuất theo GAP lại cao hơn. Vì vậy, một số mô hình không tiếp tục duy trì chứng nhận và nông dân lại trở về với cách sản xuất truyền thống.
Đó là chưa kể, các mô hình sản xuất theo GAP còn thiếu tập trung, nông dân sản xuất không thống nhất về lịch mùa vụ dẫn đến chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm chưa cao, khả năng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ còn nhiều hạn chế…
Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả cho nhà vườn, UBND huyện Chợ Lách đã xây dựng và triển khai kế hoạch đến năm 2015 phát triển 300ha chôm chôm theo GAP. Trong đó, Phú Phụng 80ha, Vĩnh Bình 40ha, Sơn Định 40ha, thị trấn Chợ Lách 20ha, Hòa Nghĩa 30ha, Long Thới 40ha, Tân Thiềng 30ha, Hưng Khánh Trung B 30ha. Trước mắt, trong năm 2013, huyện triển khai 14ha chôm chôm ở Tân Thới (Sơn Định); đến năm 2014 nâng lên 60ha (Phú Phụng 40ha, Vĩnh Bình 20ha).
Thực hiện đề án, huyện đã và đang tập trung khảo sát thực tế, thống nhất quy mô, chọn vùng thích hợp; vận động thành lập các tổ liên kết sản xuất; đào tạo, tập huấn, tuyên truyền vận động nông dân tham gia; tham quan mô hình, hỗ trợ khắc phục hạn chế và lỗi trong quá trình thực hành, thuê chuyên gia tổ chức đánh giá và công nhận đạt chuẩn; tập trung nhiều giải pháp, trong đó chú trọng các giải pháp tổ chức sản xuất, khoa học công nghệ, thị trường, chính sách và vốn…
Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 5,376 tỷ đồng, trong đó kinh phí sự nghiệp kinh tế huyện 224,5 triệu đồng, vốn tham gia của dân 3,015 tỷ đồng, vốn từ doanh nghiệp 600 triệu đồng, vốn hỗ trợ lồng ghép từ các dự án 1,517 tỷ đồng.