Vụ xuân năm nay lúa trổ bông muộn 15 - 20 ngày, gặp nhiệt độ môi trường tăng cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đen lép hạt phát sinh và phát triển, làm giảm đáng kể đến năng suất, chất lượng lúa xuân cuối vụ.
Xin giới thiệu kinh nghiệm chọn thuốc trừ bệnh đen lép hạt hại lúa:
Bệnh đen lép hạt do tập đoàn nấm và vi khuẩn gây hại, trong đó các chủng loại nấm thông thường như: Khô vằn, đạo ôn, đốm nâu, tiêm lửa, tiêm hạch... chiếm tới trên 90% nguyên nhân gây bệnh. Bệnh đen lép hạt thường xâm nhập vào hoa lúa rất sớm, ngay từ khi hoa lúa đang thụ phấn, thụ tinh. Bệnh nặng, phát triển sớm làm toàn bộ bông lúa nhiễm bệnh đen lép, hạt không ngậm màu. Bệnh nhẹ, vết bệnh trên hạt thóc là những đốm đen, chấm đen nhỏ, hạt gạo gẫy nát, chất lượng gạo xay giảm sút.
Cách chọn thuốc trừ bệnh đen lép hạt có hiệu quả là chọn những loại thuốc hỗn hợp hoặc thuốc đơn có tác dụng lưu dẫn mạnh, phổ trừ nấm bệnh rộng, thời gian diệt nấm kéo dài sẽ cho hiệu quả phòng trừ bệnh cao.
Xin giới thiệu một số loại thuốc có tên thương phẩm sau, hiệu quả phòng trừ bệnh đen lép hạt: Tilt-supe300ND; Folicur 250EW; Aliette 800WG; Nevo 330EC; Bonananza 300EC; Anvil 5/10EC; Curesupe 300EC; Bavistin 50FL; Hạt vàng 50WP; Thio-M 70WP; Staner 20WP; Ditacin 8L...
Những loại thuốc nội hấp này sau khi phun 4 - 6giờ lên tán lá toàn bộ thuốc được cây hấp thụ vào dịch cây, mưa to cũng không ảnh hưởng tới chất lượng thuốc.
Phun bằng bình bơm có "béc" tia nhỏ, cho thêm chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc. Thường xuyên thay đổi thuốc, hỗn hợp hai loại thuốc hoặc tăng nồng độ nếu phun nhiều lần một loại để khắc phục hiện tượng nhờn thuốc của nấm bệnh.
Nên phun thuốc vào buổi chiều lúc nắng nhẹ (16 - 18giờ), thuốc không bị ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao lúc ban trưa phân huỷ sẽ cho hiệu quả phòng trừ bệnh cao hơn.
Có thể pha hỗn hợp loại thuốc này với 1 loại thuốc trừ sâu, bệnh khác không có tính kiềm để giảm công phun thuốc. Khi pha hỗn hợp 2 loại thuốc nên pha loãng từng loại thuốc sau đổ vào nhau chất lượng thuốc hỗn hợp sẽ tốt hơn.