00:00 Số lượt truy cập: 2670264

Chữa mặn sông Hương chỉ mất gần 40 triệu đồng 

Được đăng : 03/11/2016
Chỉ với số tiền đầu tư khoảng 35 triệu đồng, Thạc sỹ (Th.S) Trương Công Nam có thể chữa mặn cho dòng sông Hương, đem lại nước sinh hoạt cho nhân dân vào mùa hạn mặn.

Thu nước ngọt từ nước mặn

 

Trao đổi với Thoibaoviet.com, Th.S Trương Công Nam, Giám đốc Công ty Cấp Thoát nước Thừa Thiên-Huế, người tìm ra phương pháp chữa mặn cho sông Hương, cho biết, ở Thừa Thiên Huế, từ tháng 4-8, sông Hương thường bị nhiễm mặn.

 

Điển hình năm 2003, độ mặn đo được trên sông Hương tại Vạn Niên là 360-580mg NaCL/lít, vượt quá tiêu chuẩn cho phép nước dùng cho sinh hoạt (tiêu chuẩn cho phép tối đa là 100mg NaCL/lít). Nước mặn làm cho nhiều nhà máy, xí nghiệp của TP Huế như Công ty Bia Huế, Công ty Cổ phần Dệt may Huế, v.v…, phảitạm ngưng sản xuất do đường ống bị hư hỏng.

Th.S Trương Công Nam: Chi phí đầu tư cho việc chữa mặn sông Hương chỉ khoảng 35 triệu đồng

 

Ngoài ra, nước mặn ăn mòn các đường ống cấp nước, khiến cho nước bị nhiễm đục có hàm lượng sắt, mangan cao.

 

“Năm 2002, sông Hương nhiễm mặn, nước thiếu trầm trọng, nhân dân phải mua nước với giá cao gấp đôi giá nhà máy. Ở Bệnh viện Trung ương Huế, các bác sĩ phải dùng dung dịch tinh khiết thay cho nước trong phòng mổ”, Th.S Nam nhớ lại, “ Lúc đó, đập ngăn mặn Thảo Long, công trình chủ chốt ngăn nước sông Hương, nhiễm mặn lẽ ra hoàn thành vào năm 2003 nhưng hoãn lại đến năm 2006 mới đi vào hoạt động”.

 

“Sau nhiều trăn trở, tôi và các cộng sự quyết định bắt tay nghiên cứu và triển khai thực hiện đề tài “Thu nước ngọt tầng mặt mỏng trên sông Hương vào mùa hạn mặn”, nhằm giải quyết vấn đề khan hiếm nước ngọt sớm ngày nào hay ngày đó cho nhân dân Thừa Thiên Huế đỡ khổ”, Th.Nam nói tiếp.

 

Lý do chọn tầng mặt mỏng để thu nước ngọt, nhóm thực hiện nghiên cứu giải thích, vào mùa hạn mặn, cả tầng mặt và tầng đáy của sông Hương đều nhiễm mặn. Tuy nhiên, so với tầng đáy, độ mặn của tầng mặt có giảm hơn gấp nhiều lần.

 

 

“Việc thu nước ngọt từ tầng mặt mỏng vào mùa mặn ở Sông Hương, nhiều nơi cũng làm rồi. Ngành thủy lợi thường áp dụng phương pháp này”, Th.S Nam nói, “Cũng thu nước ngọt từ tầng mặt mỏng, tuy nhiên chúng tôi áp dụng kỹ thuật khác, đơn giản hơn, hiệu quả hơn, và không làm sáo trộn dòng chảy của sông Hương.

 

Th.S Mai Duy Tường, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cho biết, phương pháp thu nước mặt truyền thống của ngành thủy lợi là phương pháp thu nước ngọt ở tầng mặt ở trạng thái tỉnh, dòng chảy nhỏ, nước từ sông tự chảy qua kênh dẫn nước và được thu qua hệ thống cửa phai để lấy nước ngọt tầng mặt.

Đề tài “Thu nước ngọt tầng mặt mỏng trên sông Hương vào mùa hạn măn” xuất sắc nhận được giải ba Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2006.

Năm 2005, công trình “Xử lý, phục hồi và nâng cấp các loại ống gang thép cũ” của Th.S Nam cũng xuất sắc đoạt giải cuộc thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

 

Tuy nhiên, do dòng chảy của nước vào kênh bị ngăn bới tấm phai nên ngoại trừ dòng chảy ở tầng mặt không bị ngăn cản, các dòng chảy của nước mặn từ đáy cửa phai đến gần đầu đỉnh cửa phai do bị chặn đột ngột nên vận tốc có trạng thái chuyển từ động năng sang thế năng sẽ làm cho dòng chảy bị sáo trộn.

 

Nhóm nghiên cứu áp dụng một phương pháp hoàn toàn mới, sử dụng hệ thống vải bạt kết hợp với dàn đỡ để lấy nước ngọt ở tầng mặt trong khoảng từ 0,3m tính từ bề mặt xuống.

 

Kỹ thuật này cho phép thu được tầng nước ngọt ở mặt thoáng phía trên tấm bạt mà không làm ảnh hưởng và xáo trộn đến dòng chay của tầng nước mặn ở phía dưới tấm bạt.

 

Ngược lại, đối với dòng nước ở đáy sông tại cửa thu, do bị tấm bạt che phủ ở phía trên và không bị tác động bởi lực hút về phía cửa thu nên không bị xáo trộn, làm nhiễm mặn nguồn nước mặt xung quanh cửa thu.

 

Đơn giản và rẻ

 

Th.S Nam cho biết, kỹ thuật thu nước ngọt tầng mặt mỏng, mà ông và các cộng sự nghiên cứu, rất đơn giản, dễ sử dụng, và chi phí đầu tư rấ nhỏ.

 

“Chi phí đầu tư chỉ khoảng 35 triệu đồng. Vật liệu chủ yếu là cọc sắt, ống sắt, bao cát, bạt nilong, phao nhựa rất thông dụng trên thị trường”, Th.Nam khẳng định.

 

Được biết, kỹ thuật này được thử nghiệm và áp dụng tại trạm bơm Vạn Niên (Thừa Thiên Huế) từ năm 2002 với công suất khai thác là 75.000m3/ngày, đêm. Nguồn nước này hoàn toàn đạt tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế về nồng độ muối trong nước sinh hoạt.

 

Chưa được ứng dụng rộng

 

Th.S Nam cho biết, kỹ thuật này, với hệ thống lắp đặt đơn giản, dễ chế tạo, dễ sử dụng, chi phí đầu tư nhỏ, vật tư thông dụng rất dễ đem ra áp dụng rộng rãi.

 

Tuy nhiên, theo nhóm thực hiện, tới nay, kỹ thuật này, ngoài trạm bơm Vạn Niên, chưa có bất kỳ nơi nào ứng dụng.

 

“Kỹ thuật này có thể áp dụng ở các công ty cấp nước và các trạm bơm thủy nông trên toàn quốc. Đặc biệt là tại các vùng có nguồn nước mặt bị nhiễm mặn vào mùa hạn”, Th.Nam quả quyết. “Nếu có bất kỳ nơi nào muốn áp dụng, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ”.