00:00 Số lượt truy cập: 2671974

Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật: 

Được đăng : 03/11/2016

Huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) hiện có 33.648 hộ (162.232 khẩu), trong đó có 32,5% là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của hầu hết bà con hoàn toàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, với trình độ canh tác lạc hậu. Vì vậy, chương trình xoá đói giảm nghèo của huyện tập trung vào việc nâng cao trình độ sản xuất cho bà con.


Đức Trọng hiện còn 10,58% hộ nghèo theo chuẩn mới, trong số này 46,6% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc trưng của những hộ nghèo là thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và đất sản xuất. Vì thế, để xoá đói giảm nghèo cho dân, huyện tập trung vào một số giải pháp: phát triển thiết chế hạ tầng, đầu tư cho công tác khuyến nông, giải quyết việc làm kết hợp với đào tạo nghề và hỗ trợ phát triển xã hội như y tế, giáo dục... cho nông dân. Năm năm qua, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và nguồn vốn huy động trong dân, Đức Trọng đã đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng 175km đường giao thông nông thôn, 50 trường học, nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ, 332km đường điện hạ thế. Đầu tư 95 tỷ đồng giúp các hộ nghèo khai hoang 414ha đất kết hợp với cung ứng cây - con giống tạo điều kiện cho bà con phát triển sản xuất.

Vấn đề nâng cao chất lượng nông sản hướng tới sản xuất hàng hoá cũng được huyện đặc biệt chú ý. Đến nay, huyện đã tổ chức trên 200 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng dâu – nuôi tằm, trồng rau, hoa thương phẩm, trồng tre lấy măng và chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gà thả vườn,... Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, phần lớn các hộ đã biết áp dụng những kiến thức tiếp thu được qua các lớp khuyến nông vào sản xuất. Tập quán canh tác lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc đang được thay thế bằng sản xuất theo kỹ thuật mới: chuyển từ sản xuất nông nghiệp tự cấp tự túc sang sản xuất hàng hoá.


Mục tiêu của Đức Trọng là từ nay đến năm 2010, mỗi năm giảm 2% hộ nghèo, không có hộ tái nghèo. Để đạt được mục tiêu này, Ban chỉ đạo xoá đói giảm nghèo của huyện đã có kế hoạch chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến 100% hộ nghèo; đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn, mỗi năm đào tạo nghề cho 500 lao động nông thôn...