00:00 Số lượt truy cập: 2679164

“Cõng nước” lên nương tưới cà phê 

Được đăng : 03/11/2016
Hàng nghìn héc-ta cà phê đang đói nước giữa mùa khô, là nỗi lo cây rụng trái, mất mùa của bà con trồng cà phê ở Tây Nguyên.

Để cứu được “đồng tiền” bỏ ra, người nông dân ngày đêm tích cực khơi dòng, chặn suối, đào giếng… cách nào cũng được, khó khăn mấy cũng vượt qua, miễn là có nước. Một giọt nước tưới lên lá hay ngấm vào gốc cây cà phê là cả một chuỗi dài biết bao công sức, mồ hôi và tiền bạc.

Đến Đắc Lắc, Gia Lai hay một số vùng của tỉnh Kon Tum những ngày này, không khí thật là sôi nổi. Đêm đêm trên những cánh rừng, những thung lũng và nhất là bên những con suối, đèn điện tỏa sáng, máy nổ rền vang, độ dài đường ống càng lớn thì tiếng máy càng to. Nó cũng như con người đang “còng lưng” mà tưới nước cho cây cà phê trong mùa khô, mùa dưỡng trái đầu vụ. Một giếng đào nho nhỏ đặt 2 - 3 máy, một đoạn suối cạn dài chưa đầy 1km có tới hơn 20 máy bơm rú ga “lớn tiếng” để tranh nhau nước. Ở đâu cũng bắt gặp những gương mặt hốc hác, tua tủa râu ria, những đôi mắt trũng sâu, thâm quầng của những đêm, ngày “đua sức” lấy nước tưới cà phê.

Bơ phờ sau bốn ngày đêm trên rẫy, ông Lê Văn Long ở Ia Châm, Ia Grai (Gia Lai) cho hay: “Cây cà phê vào mùa ra hoa và kết trái, cần một lượng nước rất lớn, đất đủ ẩm thì hoa mới ra nhiều và đậu trái, trái không rụng. Một vụ cà phê, nếu gặp tiết trời hay mưa thì chỉ tưới 3-4 đợt, còn không thì phải tưới đến 5-6 đợt . Trong các công việc của người trồng cà phê, vất vả nhất là tưới nước. Kể từ khi kéo ống dẫn nước cùng máy nổ xuống, đưa ống nước đến từng gốc cây cà phê coi như xong công đoạn thứ nhất; đến công đoạn thứ hai là tưới nước cả ngày đêm, hết cây này, đến cây khác. Cứ thế chuyền ống nước hết cả mấy héc-ta cây trồng là “công đoạn” vất vả nhất (một héc-ta cà phê tưới chừng 3 ngày đêm). Tưới nước xong, lại kéo máy lên, cuốn dây lại và thu về"… Những công việc đó đều rất nặng nhọc, nếu ai không khỏe thì không trụ nổi, nhiều người đau ốm giữa chừng buộc lòng phải bỏ cuộc, hoặc có tiền phải thuê người làm.

Hơn chục năm về trước, khi cây cà phê mới chỉ là khởi điểm, diện tích còn ít, ngoài các nông trường, người dân chủ yếu trồng xung quanh các triền đồi, hai bên sông, suối việc tưới cà phê mùa khô thật là đơn giản, vì chỉ cần 2, 3 cuộn dây là tưới thoải mái. Còn như hiện nay thì càng ngày đất trồng cà phê mở rộng ra và xa nguồn nước tưới, đất cao hơn dễ bị khô hạn. Để “cứu” số diện tích sinh sau, đẻ muộn này, hằng ngày người dân phải sử dụng mọi biện pháp lấy nước, kể cả khai thác mạch nước ngầm sâu dưới lòng đất.

Ông Ksor Ngôl, một nông dân trồng cà phê lâu năm ở Chư Sê (Gia Lai) cho chúng tôi biết: “Ở Gia Lai nói chung, Chư Sê nói riêng, chỉ có một phần rất ít diện tích cà phê có thể tháo nước từ các công trình thủy lợi vào, là Ia Glai, Ia Lúc, Ia Ring (Chư Sê), một số nông trường cà phê như Ia Sao (Chư Păh), Ia Châm (Ia Grai) và nông trường cà phê Chư Prông. Còn lại hoàn toàn phải lấy nguồn nước tưới từ sông suối, ao hồ và giếng đào, giếng khoan. Để chuẩn bị cho mùa tưới cà phê năm nay, gia đình ông đã thuê máy xúc đào rộng hố chứa nước dưới chân rẫy mất 15 triệu đồng nhưng cũng không đủ nước để tưới".

Nhiều gia đình phải thuê người đào giếng để lấy nước tưới nhưng máy hút cũng chỉ được 2, 3 tiếng lại phải dừng để đợi nước ngầm “kéo tới”. Đến nay đa số các hộ đã tưới 3 đợt (một mùa cà phê phải tưới 5-6 đợt), một đợt tưới nước cho một héc-ta cà phê cũng tốn gần 1,5 triệu đồng (nơi ở gần) còn ở xa nguồn nước thì phải lên đến 2 triệu đồng, chưa kể tiền công. Nếu hộ nào có người thì còn đỡ, còn gia đình nào không có người thì phải thuê người tưới, đồng tiền bỏ ra cho một héc-ta cà phê, chỉ trong vụ tưới nước cũng lên tới 5 đến 7 triệu đồng. Vì vậy, chi phí toàn bộ cũng đến mức 30 - 50 triệu đồng/ha, mà giá cà phê lên xuống thất thường…

Đến vùng phía Bắc của huyện Chư Prông và một số địa phương xung quanh thị trấn Chư Sê (Gia Lai); vùng Đắc Hà, Đắc Tô của tỉnh Kon Tum và một số huyện như Ea Ka, Ma Đrak… của tỉnh Đắc Lắc rất nhiều hộ dân trồng cà phê ở xa nguồn nước. Có gia đình phải dùng hai máy “tiếp sức” cho hơn 20 cuộn dây để đưa được nước lên tưới cho cà phê nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Để đủ nước cho cây cà phê đậu quả và dưỡng lá, họ đành phải dùng một diện tích đất không nhỏ để đào giếng.

Khi số lượng giếng nước ngày một lớn thì “đội quân” đào giếng chuyên nghiệp với nhiều công nghệ khác nhau cũng hình thành và thi nhau chào mời, nhất là vào thời điểm mùa khô. Một giếng đào bình thường sâu khoảng 30 - 40m khoảng 5 triệu đồng, còn một giếng đào ở những mảnh vườn đất cao, có đá thì giá lên đến chục triệu đồng. Đặc điểm chung của các giếng nước tưới cà phê thường trên nhỏ, dưới phình to, ngoài ra họ còn khoan sâu vài mũi chĩa ra xung quanh để kiếm thêm nước ngầm xung quanh. Đó cũng là nguyên nhân nhà này tưới nước, nhà kia tắt máy đứng nhìn vì nước ở giếng nhà mình tự nhiên “biến mất”… Rồi từ đó bao mâu thuẫn nảy sinh.

Nguồn nước tưới cà phê ở Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang là mối lo của bao người nông dân hằng ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mong vào từng hạt cà phê thu về sau mùa vụ. Nhưng nếu không quản lý tốt nguồn nước tự nhiên ở các sông, suối, ao hồ và đặc biệt hơn là nguồn nước ngầm dưới lòng đất, thì một ngày mai không xa ở Tây Nguyên sẽ cạn kiệt nguồn nước, đất đai sẽ bạc màu…