Cứ vào khoảng từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau, người dân ở khu vực rừng ngập mặn ven biển Trà Vinh lại đổ xô đi khai thác cua biển giống.
Theo số liệu chưa đầy đủ, kể từ đầu vụ (tháng 10 âm lịch năm 2007) đến nay, người dân sống ở khu vực rừng ngập mặn ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành và Trà Cú đã khai thác hơn 38 triệu con cua biển giống, trị giá khoảng 18 tỷ đồng. Tại tuyến rừng phòng hộ trên địa bàn ấp số 3, 4 và 5, xã Mỹ Long Nam (huyện Cầu Ngang), mỗi ngày hiện có khoảng 300-400 cư dân địa phương hành “nghề” săn cua biển giống, thu nhập bình quân từ 50.000 đến 70.000 đồng/người/ngày.
Chị Đặng Thị Triển, chủ cơ sở mua gom cua biển giống tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang cho biết: cua biển giống năm nay xuất hiện nhiều, lại bán được giá cao; loại cua tiêu hiện có giá từ 800 đến 1.000 đồng/con, cua me có giá 2.000-2.500 đồng/con, cua mít có giá 3.000-3.500 đồng/con. Bình quân mỗi ngày, cơ sở mua được từ 3.000 đến 6.000 con cua biển giống, không đủ cung cấp cho người nuôi. Lượng cua giống mua được, cơ sở cung cấp cho người nuôi địa phương và các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Rừng phòng hộ ven biển ở Trà Vinh phát triển, bãi bồi ổn định nên các loài thủy sản tự nhiên như: nghêu, sò huyết, cá, cua…xuất hiện ngày một nhiều, đem lại nguồn thu đáng kể cho cư dân địa phương. Tuy nhiên, nguồn lợi này đang bị khai thác vô tội vạ mà chính quyền và ngành thủy sản gần như chưa có sự quản lý./.