00:00 Số lượt truy cập: 2679244

ĐBSCL: Giá công thu hoạch lúa cao kỷ lục 

Được đăng : 03/11/2016

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp thì: "Chuyện thiếu nhân công cắt lúa xảy ra nhiều năm qua, làm ngành nông nghiệp rối rắm, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được". Thậm chí ngày càng trầm trọng hơn, nhất là vào vụ thu hoạch lúa hè thu.


Vụ hè thu năm nay, ĐBSCL gieo sạ được trên 1,6 triệu ha lúa. Hiện nay, cùng với dịch rầy nâu bùng phát, thiếu nhân công cắt lúa đang là chuyện thời sự, "nóng" từng ngày.

Vào đầu vụ gặt giá công cắt lúa đã là 180.000 đồng/công (1.000 m2), tăng gấp đôi so cùng kỳ năm ngoái, hiện nay tăng lên 200.000 đồng/công đối với lúa đứng; lúa đổ, lúa ở vùng sâu, xa kênh mương 220.000 đồng/công.

Trả giá cao cũng không có người gặt

Trước đây nông dân ĐBSCL sản xuất theo thói quen, sạ lúa lai rai, thu hoạch lai rai, đã vậy nguồn nhân lực lại dồi dào không bị o ép bởi tính thời vụ. Để đảm bảo né rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá mấy năm gần đây nông dân gieo sạ tập trung, thu hoạch đồng loạt.

Vì vậy đối với vụ hè thu thời gian thu hoạch rút ngắn lại trong vòng khoảng 1 tháng, nên rất thiếu nhân công gặt lúa. Mặt khác, do quá trình đô thị hoá quá nhanh, thu hút khá đông lực lượng lao động trẻ ra thành phố, thị xã vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp dường như tỉnh nào cũng có.

Các huyện ở đầu nguồn ĐBSCL như Tân Hồng, Tháp Mười (Đồng Tháp); Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá... (Long An) đất rộng, người thưa, một nhà có 10-15 ha ruộng là chuyện bình thường. Vụ hè thu ở đây bà con nông dân thường gieo sạ sớm để né lũ.

Hàng năm, mùa thu hoạch đến nhân công cắt lúa thuê từ các nơi đổ về. Thông thường, họ đi theo từng nhóm, dựng lều ở tạm ven các bờ kênh rồi hàng ngày ra đồng cắt lúa từ sáng đến chiều. Đây là dịp để dân làm thuê nông nghiệp "ngày làm tháng ăn", bình quân thu nhập khoảng 100.000 đồng/người/ngày.

Tháng 7 năm nay về các huyện đầu nguồn chỉ nghe chủ ruộng kêu ca rằng chưa có năm nào thuê người gặt lại khó như năm nay. Dự đoán được nhân công cắt lúa ngày càng khó, nhiều chủ ruộng ở Tam Nông, Thanh Bình (Đồng Tháp) sạ xong lúa vụ hè thu là chuẩn bị "phương án" kêu người cắt lúa. Trớ trêu, năm nay "phương án" bị đổ. Mùa gặt đến không kêu được ai.

Ở Mộc Hoá, hiếm người gặt, nhiều chủ ruộng ra tận bến xe thị xã "săn" người. Phát hiện được người gặt thuê, bao tiêu tiền xe ôm chở ngay về nhà. Ông Tư Thanh, nhà có 5 ha ruộng ở xã Hưng Điền B (Tân Hưng) xuống giống được 1 tháng đã lo đi "đặt hàng" công cắt lúa, mà đến ngày thu hoạch vẫn không thấy ai (!)

Gia đình đành cắt lấy lúa đổ, lúa đứng thuê máy gặt. Nhưng, máy gặt gọi mãi cũng không được. Vì một lý do rất đơn giản: máy quá ít, người gọi nhiều.

Bao giờ cơ giới hoá mới vào đồng ruộng?

Nhận thức được vai trò cơ giới hoá trong nông nghiệp nói chung và khâu thu hoạch lúa nói riêng, thời gian qua nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã có những chính sách hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp.

Cụ thể, tỉnh Đồng Tháp đầu tư khoảng 10 tỷ đồng thực hiện cơ giới hoá. Bằng cách hỗ trợ lãi suất 2 năm cho nông dân vay tiền mua máy nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Khang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh chủ trương cho các đơn vị mua máy gặt vay 50% giá trị máy với lãi suất ưu đãi. Tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu năm 2007 mua 200 máy gặt đập liên hợp, dân góp 30%, ngân hàng cho vay 70% giá trị máy, tỉnh hỗ trợ lãi suất 2 năm.

Mặc dù các địa phương có nhiều chính sách khuyến khích nông dân thực hiện cơ giới hoá khâu thu hoạch, nhưng theo Trung tâm khuyến nông quốc gia đến năm 2006 ĐBSCL mới có khoảng 1.800 máy gặt xếp dãy (loại này vẫn còn phải sử dụng nhiều lao động thủ công để thu gom, vận chuyển lúa từ nơi gặt đến nơi tuốt); 100 máy gặt đập liên hợp. Tính ra, cả ĐBSCL mới cơ giới hoá khâu gặt được 3% diện tích. Một con số quá khiêm tốn, quá chậm so với vựa lúa của cả nước.

Đã nhiều năm nay từ Trung ương đến tỉnh đều tích cực hô hào nhà nông đẩy mạnh phong trào cơ giới hoá, nông dân thấy "lợi thì có lợi" nhưng mà-nói theo cách của ông Hai Tân ở xã Tân Thạnh Đông (Tân Thạnh, Long An) "chuyện lớn, khó vào".

Vì, nông dân không thể tự bơi. Mua máy cần nhiều tiền, đại đa số nông dân còn nghèo. Tính bình quân toàn vùng, trên 70% nông dân có diện tích canh tác dưới 1 ha/hộ. Ruộng đất ít và manh mún, vay từ vài chục đến cả trăm triệu đồng mua máy gặt, mỗi năm làm 2 vụ lúa rồi "treo" máy vì thời gian thu hoạch ngắn.

Thêm nữa, máy chỉ cắt được lúa đứng, ruộng không ngập nước, người sử dụng đòi hỏi phải có sức khoẻ, phải có kỹ thuật vì một số bộ phận thường bị hư hỏng... Bấy nhiêu lý do, xét về hiệu quả kinh tế thì quá thấp làm cho nông dân không mặn mà với máy gặt.

Đối với máy sấy lúa cũng vậy. Việc lắp đặt các lò sấy chi phí cao, nhưng thời gian sử dụng ngắn (khoảng 25-30 ngày/năm), chủ yếu khi mưa dầm, thời gian hoàn vốn chậm (3-6 năm). Vì vậy, nhà nông chọn giải pháp phơi nắng để hạ giá thành, trừ khi thu hoạch lúa hè thu gặp lúc mưa gió không có cách nào hơn phải đem lúa đi sấy.

Từ ngày 31/7 đến ngày 4/8 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thi máy gặt đập liên hợp lần 1 - năm 2007 khu vực ĐBSCL, tại cánh đồng lúa hè thu của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Tiến, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang).

Theo PGS-TS. Mai Thành Phụng, Phó chủ tịch Hội đồng bình tuyển Hội thi máy gặt đập liên hợp thì giảm tỷ lệ hao hụt và áp lực thiếu nhân công cắt lúa là mục tiêu của cuộc thi. Hội thi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất máy.

Hi vọng, qua cuộc thi, Hội đồng bình tuyển sẽ tìm ra được các loại máy gặt đập liên hợp thích hợp nhất, có hiệu quả nhất trên đồng ruộng ĐBSCL, được nông dân chấp nhận (kể cả về giá). Hội thi lần này cũng khuyến khích các máy gặt xếp dãy (cắt rải), máy gom lúa, máy hốt lúa cùng tham gia trình diễn cho bà con nông dân xem.

Đây là cuộc gặp gỡ 4 nhà với sự có mặt trên 320 nông dân đến từ 13 tỉnh ĐBSCL sẽ trực tiếp hỏi các doanh nghiệp, nhà quản lý, lãnh đạo bộ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhà khoa học về chủ đề máy thu hoạch lúa.