00:00 Số lượt truy cập: 3234231

ĐBSCL: Kiên quyết không để nông dân 

Được đăng : 03/11/2016

Giá lúa đang giữ mức 5.000 - 5.500 đồng/kg đã phần nào tác động đến lịch thời vụ xuống giống vụ lúa đông xuân 2009 - 2010. Thống kê sơ bộ từ ngành nông nghiệp các tỉnh, cho đến thời điểm này ĐBSCL đã có trên 120.000 ha (trên khoảng 1,6 triệu ha) đất sản xuất lúa đã được nông dân xuống giống. Và chuyện nông dân “xé rào” xuống giống sớm vẫn còn trong tầm kiểm soát của ngành nông nghiệp các tỉnh.


Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Kế hoạch ĐX 2009 - 2010, Đồng Tháp sẽ xuống giống 205.000 ha và theo đó lịch thời vụ chia làm 3 đợt: Đợt 1: Từ 25 đến 31/10/2009; Đợt 2: Từ 25/11 đến 02/12/2009; Đợt 3: Từ 25/12 đến 31/12/2009. Đến thời điểm này nông dân đã xuống giống được hơn 25.000 ha, trong đó huyện Tháp Mười đã xuống giống nhiều nhất với hơn 11.800 ha, còn lại các huyện Tân Hồng và Tam Nông cũng được nông dân ráo riết xuống giống, phần lớn lúa đang ở giai đoạn mạ. Kế hoạch, trong đợt II từ ngày 25/11 đến 2/12/2009, huyện Tháp Mười sẽ có thêm khoảng 11.900 ha tiếp tục được nông dân xuống giống. Đồng Tháp đang chỉ đạo cho các địa phương phải tuân thủ theo lịch thời vụ đồng loạt, tập trung, né rầy là giải pháp hiệu quả qua nhiều vụ lúa cần phải phát huy.

Còn ở Vĩnh Long, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật, đến nay nông dân mới xuống giống được hơn 4.333 ha/kế hoạch xuống giống hơn 66.000 ha, tập trung tại các huyện Mang Thít, Bình Minh, Bình Tân, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm. Chi cục BVTV Vĩnh Long đang khuyến cáo nông dân lúa gieo sạ dưới 20 ngày cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy di trú trên ruộng và đưa nước kịp thời bảo vệ tốt cây lúa non; thu gom và xử lý tốt ốc bươu vàng, cỏ dại, bón phân cân đối, quản lý nước hợp lý cho lúa đã xuống giống nhằm giúp cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.

Cục BVTV khuyến cáo: “Biện pháp mạ mùng kết hợp né rầy trong sản xuất lúa giống các cấp và "giải pháp gieo sạ đồng loạt né rầy trên diện rộng để phòng bệnh VL-LXL ở ĐBSCL" là ưu điểm các địa phương cần nhân rộng nhanh. Bên cạnh đó kỹ thuật 3 giảm, 3 tăng lên thành 1 phải, 5 giảm. Chuyển hướng biện pháp quản lý dịch hại lúa lệ thuộc vào thuốc trừ sâu hóa học sang hướng ứng dụng các biện pháp phòng trừ sinh học. Tùy theo điều kiện địa hình, mực nước lũ ở mỗi khu vực mà bố trí lịch gieo sạ trong khung thời vụ tốt nhất.

Bà con cần áp dụng các biện pháp 3 giảm, 3 tăng ngay từ đầu vụ, hạn chế phun thuốc ở giai đoạn trước 40 ngày sau sạ để hạn chế bộc phát dịch hại ở giai đoạn sau. Những khu vực chuẩn bị xuống giống lúa ĐX đợt 2, bà con cần vệ sinh đồng ruộng, làm đất kỹ, diệt cỏ bờ, hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu. Các địa phương cần chỉ đạo tập trung ưu tiên xuống giống đợt 2 và đợt 3.

Đến thời điểm này, An Giang cũng chỉ mới xuống hơn 5.000 ha/tổng kế hoạch 234.000 ha. Ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang cho biết: Nước đang rút nhanh, ngành nông nghiệp đang chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương khuyến cáo nông dân không nên nôn nóng xuống giống mà phải làm đất thật kỹ trước khi xuống giống và phải tuân thủ triệt để theo chỉ đạo của UBND tỉnh và của Bộ NN-PTNT. Theo đó, lịch thời vụ đợt 2 từ 15/12 - 31/12/2009 và giải pháp duy nhất là phải xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy… Vì đây là giải pháp đã thành công qua mấy vụ lúa cần phải phát huy triệt để.

Ông Phạm Hoài An, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hậu Giang cho biết: Đến thời điểm này Hậu Giang cũng đã có hơn 7.000/kế hoạch 81.000 ha đã được nông dân xuống giống. Tất cả đều tuân thủ theo lịch thời vụ, vì trong thực tế nông dân đã đã có nhiều bài học trong việc không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng nên năm nay tình trạng xé rào xuống sớm sẽ ít xảy ra. Hiện tại, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương giám sát chặt diễn biến xuống giống và phải theo dõi sát tình hình rầy nâu vào bẫy đèn để tính toán lịch thời vụ xuống giống: né rầy, tập trung và đồng loạt.