Tin vui "Chính phủ cho vay vốn để doanh nghiệp thu mua cá tra nguyên liệu tới lứa" đã đến gần cả tuần nay. Thế nhưng, người nuôi cá tra ở ĐBSCL vẫn như "ngồi trên đống lửa "với bao bộn bề nỗi lo...
Trong những ngày đầu tháng 6, nhiều doanh nghiệp ở An Giang mua cá tra tại ao của người dân ở huyện Phú Tân (An Giang) chỉ còn 13.800 đồng/kg.
Anh Lê Văn Hiệp, một người nuôi 2ha cá ở Huyện Phú Tân cho rằng: Với giá cá này mỗi tấn cá được cất bán, người nuôi cá tra cầm chắc... lỗ hơn 1 triệu đồng. Một ao nuôi thuộc hàng nhỏ, lẻ 100 tấn cá cũng lãnh đủ phần thua lỗ trên 100 triệu đồng. Cứ thế, ai nuôi nhiều lỗ nhiều, nuôi ít lỗ ít.
Tại cù Lao Tân Lộc, Thốt Nốt - Cần Thơ nhiều nông dân cũng đang chạy sốt vó do giá cá thấp, ngân hàng hạn chế cho vay, cá tới lứa cũng đồng nghĩa với nợ đòi tới nơi không tiền trả vì bán cá không ai mua, có mua cũng giá quá tệ.
Theo ông Phan Văn Danh Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh An Giang - AFA, giá cá 13.800 đồng/kg loại 1 như hiện nay, nông dân lỗ thấu xương, nông dân còn có thể tiếp tục khó vì giá thức ăn vẫn đang trên đà tăng vọt. Do đó, khó khăn từ nghề nuôi cá mang về tiền tỷ đô la cho đất nước đang bị đặt vào tình cảnh nan giải phải sớm giải quyết.
Mấy ngày này, ở ĐBSCL, đi đâu cũng nghe người nuôi cá tra than "mới bán, bị lỗ", "chắc không thả lại".
Người nuôi cá không thể cầm cự nổi với giá thức ăn tăng chóng mặt. Còn ngân hàng thì không cho vay vốn, lấy tiền đâu nuôi cho cá ăn. Cá nuôi càng lớn, càng khó bán và ăn càng nhiều càng lâm nợ nên có hơn 50% ao đã bán cá đều không thả lại.
Không chỉ người nuôi nhỏ, lẻ... Ngay cả các đại gia cũng “chạy có cờ” với giá cá hiện nay. Theo anh Nguyễn Văn Đức, một người nuôi 1,5ha cá ở Tân Lộc - Thốt Nốt nhẩm tính: Giá thức ăn cho cá (cả thức ăn công nghiệp lẫn tự chế) đều có giá 8.200 đồng/kg. Cộng thêm các khoản chi phí khác (nhân công, thú y, xăng dầu chạy máy bơm nước...), giá 1 kg cá thành phẩm là 15.500đ/kg. Ấy vậy mà, bán cá với gia thu mua cao nhất cũng chỉ được... 14.200đ/kg!
Bởi vậy, đến An Giang, sang Đồng Tháp rồi xuống tận TP Cần Thơ, hễ bước vào hầm cá nào vừa thu hoạch chừng một tháng trở lại đây đều thấy cảnh chủ hầm ngồi như chết lặng vì thua lỗ. Nhiều chủ hầm còn tính đến chuyện bỏ xứ ra đi vì không còn tìm đâu ra tiền trả nợ, có bao nhiêu đất cũng đã biến hết thành ao.
Ngồi nín lặng như chết nửa thân người trên sàn chòi cho cá ăn hàng ngày, nông dân Đặng Hùng Vũ (xã Hoà Lạc, Phú Tân, An Giang) thân hình còn lem luốc đất sình ao cá, thều thào: “Mới lỗ mất 100 triệu đồng cho 85 tấn cá nuôi. Tiền đâu nuôi cá nữa bây giờ. Với giá này, ai dám “thọc đầu” vào nuôi cá nữa…”
Nhiều câu hỏi đang ở phía trước
![]() |
Thu hoạch cá tra ở Ô Môn, Cần Thơ |
Theo ước tính của những nhà chuyên môn, ĐBSCL hiện nay còn khoảng 120.000 tấn cá nguyên liệu tới kỳ thu hoạch, trong đó cá phải thu hoạch gấp khoảng hơn 100.000 tấn. 1000 tỉ đồng mà ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chuyển đến các tỉnh ĐBSCL để mua cá tra nguyên liệu cũng chỉ là con số chữa cháy trong tình hình nóng bỏng này thôi. Đây chưa thể là phương thuốc chữa trị cơn khát vốn từ người nuôi cho đến doanh nghiệp (DN) thu mua cá.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ cá tra, ba sa ĐBSCL vào hôm 1/6, Hiệp hội Thuỷ sản Cần Thơ đã có công văn đề nghị cho 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản được vay vốn với tổng số tiền là 500 tỉ đồng để thu mua hết số cá tra đến kỳ thu hoạch còn tồn đọng. Theo ước tính, có khoảng 50.000 tấn, trong đó 30.000 cá tra nguyên liệu phải thu hoạch gấp.
Theo ông Võ Văn Đời, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ đã chấp nhận danh sách các doanh nghiệp vay vốn và đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kèm theo danh sách cụ thể các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Theo ông Đời, hiện nay, Cần Thơ cũng kiến nghị Nhà nước có hỗ trợ lãi suất vay, cho vay theo nhu cầu của DN và có mức qui định về giá sàn để tránh tình trạng DN ép giá mua đối với nông dân. Nên có biện pháp xử phạt các trường hợp ép giá mua đối với người nuôi cá, đảm bảo công bằng cho nông dân và DN.
Tại Đồng Tháp, theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT, có 4 doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu được đề nbghị cho vay vốn ưu đãi trong đợt này, tổng số tiền đề nghị lên Ngân hàng Nhà nước là 565 tỉ đồng. Trong cuộc họp vào chiều 4/6 với các sở, ngành, đã có nhiều ý kiến đề nghị về ưu đãi vốn vay, tránh ép giá nông dân và làm thế nào để đảm bảo quyền lợi cho DN và nông dân.
![]() |
Cá tra. |
Còn tại An Giang, tình hình cũng đang "nóng" với con cá tra đã quá lứa thu hoạch. Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hội Nghề cá An Giang (AFA) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 20.000 tấn cá quá lứa, 30.000 tấn cá khác đang đến độ chuẩn bị thu hoạch. Vì vậy, trong đợt này, An Giang có đề nghị Chính phủ cho hai DN vay 450 tỉ đồng, để giải quyết thu mua cá tra nguyên liệu.
Trong khi đó, người nuôi cá tra lại cũng đang bấn lên... Vừa lo tiền mua thức ăn nuôi cá, lo trả nợ lãi vay ngân hàng lại vừa trông ngân hàng rót tiền xuống cho doanh nghiệp thu mua cá. Trông, rồi lại cũng lo bị DN ép giá một khi DN có rủng rỉnh tiền vay ngân hàng.
Theo ông Phan Văn Danh, chủ tịch AFA, người nuôi cá bây giờ vẫn chưa yên tâm, vì nhiều DN vẫn khăng khăng đòi giữ giá sàn 13.800 đồng/kg. Theo quan điểm của chúng tôi, cần phải công bằng cho DN và công bằng cho nông dân trong tình cảnh không ai muốn như hiện nay.
Đây cũng là bài học làm theo kiểu phong trào, thiếu qui hoạch trên đường phát triển trong kinh tế.