00:00 Số lượt truy cập: 3228572

ĐBSCL: Vụ đông xuân nhiều âu lo! 

Được đăng : 03/11/2016
Nông dân không tuân thủ lịch thời vụ sẽ bị cho xả nước vô đồng, còn chủ tịch xã bị kỷ luật. ĐBSCL đã vào vụ sản xuất đông xuân 2006-2007 trong không khí khá căng thẳng...


Trồng lúa theo “lệnh”

Ông Sáu Hồ ở ấp An Bình, xã An Cư (Cái Bè, Tiền Giang) đã chuẩn bị đủ lúa giống và phân bón, dù rất nóng lòng nhưng ông vẫn phải chờ đúng ngày mới xuống giống. Chính quyền địa phương đã có lệnh ai không tuân thủ lịch sản xuất sẽ bị... xả nước cho ngập ruộng.

Tương tự ở An Giang, nhiều tuần qua tất cả cán bộ ngành nông nghiệp từ tỉnh đến huyện đều tất bật ngoài đồng dù nước trên ruộng vẫn còn ngập mênh mông. Anh Ngô Đình Sỹ, trưởng phòng kế hoạch - đầu tư Sở NN&PTNT An Giang, nói: “Do giá lúa gạo ở mức cao, nông dân nôn nóng xuống giống vụ đông xuân sớm bất chấp lịch thời vụ do tỉnh qui định là từ 15-11 đến 31-12 nên tỉnh phải thành lập sáu đoàn công tác kiểm tra những vi phạm trong canh tác đông xuân, ngày cuối tuần vẫn phải đi công tác cơ sở”.

Nông dân tiêu hủy lúa được khoanh nợ và cho vay thêm

Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa có hướng dẫn về khoanh nợ và cho vay thêm đối với các hộ nông dân phải tiêu hủy lúa do dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Theo đó, chỉ áp dụng với các khoản vay của NH thương mại nhà nước (Công thương, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đầu tư và phát triển, Ngoại thương, Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long) và NH Chính sách xã hội.

Trong thời gian khoanh nợ sáu tháng, kể từ 1-11-2006 đến 1-5-2007, NH không thu lãi tiền vay, nếu đã thu thì hoàn trả hoặc trừ vào nợ gốc, nợ lãi chưa trả khi hết thời hạn khoanh nợ. Hộ nông dân được khoanh nợ nếu có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất thì các NH xem xét cho vay.

Theo anh Sỹ, năm nay tỉnh quản lý chặt lịch thời vụ để tránh tình trạng nông dân dọn đất gieo sạ tùy thích khiến sâu rầy, dịch bệnh có điều kiện phát triển từ trà lúa này qua trà lúa khác. “Tỉnh đã chỉ thị nơi nào để nông dân xé rào gieo sạ sớm, không đúng lịch thời vụ thì kỷ luật chủ tịch xã, đám ruộng đó sẽ bị xả nước vào cho ngập lút. Vừa rồi đã có nhiều trường hợp vi phạm bị xả nước vào ruộng, ở An Phú 20ha, Tân Châu 30ha, Phú Tân 64,2ha, mấy ông chủ tịch xã này chờ kết thúc vụ đông xuân tỉnh sẽ xem xét” - anh Sỹ cho biết.

Trong khi đó tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Đình Phiếm, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Sở NN& PTNT, cho biết tỉnh yêu cầu các địa phương phải kết thúc gieo sạ vào đầu tháng 1-2007.

Vụ lúa đông xuân năm nay vùng ĐBSCL gieo trồng khoảng 1,5 triệu ha lúa nhưng vấn đề lúa giống không “nóng” như các năm. Tại Đồng Tháp, nơi có 205.000ha lúa đông xuân và cần đến 24.600 tấn lúa giống nhưng ông Nguyễn Đình Phiếm vẫn nói chắc: “Không thiếu lúa giống!”.

Theo ông Phiếm, hiện nay nguồn lúa giống ở Đồng Tháp đã được đáp ứng từ nhiều nguồn do hai năm qua tỉnh đã triển khai chương trình sản xuất lúa giống ở hàng ngàn nông hộ, kết hợp với 141 hợp tác xã nông nghiệp làm nhiệm vụ sản xuất và cung ứng lúa giống.

Tại An Giang, vụ đông xuân 2006-2007 cần đến 27.600 tấn lúa giống cho 230.000ha đất canh tác nhưng tình hình lúa giống cũng không quá căng thẳng.

Dịch bệnh rình rập

Tại An Giang, theo khảo sát sẽ có khoảng 100.000ha lúa đông xuân 2006-2007 bị nhiễm rầy nâu, trong đó khoảng 50.000ha lúa đông xuân sẽ bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá nếu các địa phương không kiểm soát chặt quá trình canh tác và có giải pháp phòng ngừa tích cực.

Tại Đồng Tháp, năm 2006 có hơn 24.000ha lúa bị nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Trong khi đó, tại 13 tỉnh ĐBSCL vẫn còn hàng trăm ngàn hecta lúa thu đông trên đồng ruộng. Đây là nơi ở lý tưởng cho rầy nâu sinh sôi, phát tán và truyền virus bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Trong đó có 35.193ha bị nhiễm rầy, nhiều nơi nhiễm với mật số rất cao.

Hiện tại, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, kháng rầy nhẹ như OM 4495, OM 4498, OM 4655, AS 996, IR 64, OM 2517, VND 95-20, OMCS 2000.... để gieo sạ vụ đông xuân.

Theo tính toán của giới chuyên môn, vụ đông xuân 2006-2007 giá thành sản xuất lúa sẽ không dưới 1.100 đồng/kg do giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu vẫn đứng ở mức cao. Riêng giá phân đạm có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, theo một nhà kinh doanh phân bón ở An Giang, phải đến cuối tháng 11-2006 mới biết chính xác thị trường phân bón “nóng hay lạnh”.

Trong khi đó, nhiều nông dân đang hi vọng giá vật tư tuy có cao nhưng nếu giá lúa vẫn giữ được mức 2.800 đồng - 2.900 đồng/kg thì vụ đông xuân này vẫn thắng.