00:00 Số lượt truy cập: 3235148

ĐBSCL: Vụ tôm chính năm 2010 - nuôi tôm sú hay tôm thẻ 

Được đăng : 03/11/2016
Đây là thời điểm cải tạo ao đầm chuẩn bị cho vụ tôm nuôi chính năm 2010 của nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nên giờ đây đi đâu cũng nghe bà con nông dân hỏi nhau "thả tôm sú hay tôm thẻ?".

Tại lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm ở xã Đồng Sơn - huyện Gò Công Tây (Tiền Giang), một bác nông dân nuôi tôm đứng lên hỏi: "Thưa cán bộ, vụ tôm 2010 này, chúng tôi nên nuôi tôm sú hay tôm thẻ để bán được giá?" Đây là một câu hỏi rất thường nghe, nhưng rất khó trả lời, không chỉ đối với người nuôi tôm mà cả đối với cơ quan quản lý. Hiện nay, người nuôi tôm ở ĐBSCL chọn đối tượng tôm nuôi chủ yếu theo phong trào hay theo cảm tính, hoàn toàn chưa có một kênh thông tin nào đáng tin cậy để người nuôi tôm chọn đối tượng nuôi phù hợp và an tâm sản xuất.
Cải tạo ao nuôi tôm đầu vụ

Những tháng cuối năm 2007, con tôm sú ở ĐBSCL rớt giá thê thảm ,do bị con tôm thẻ chân trắng cạnh tranh khốc liệt ở thị trường xuất khẩu. Trước tình hình này, ngày 25-1-2008, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN-NTTS về việc phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vanamei hoặc Penaeus vannamei) ,nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi và sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Được phép nuôi tôm thẻ chân trắng, nhưng nhiều tỉnh ĐBSCL chỉ dừng lại ở việc nuôi thử nghiệm. Đến thời điểm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, có thể phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng đại trà... Vài năm gần đây, trong khi việc nuôi tôm sú ở ĐBSCL ngày càng gặp nhiều rủi ro thì tôm thẻ chân trắng xuất hiện với ưu thế: năng suất cao, dễ bán, chi phí thấp. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi vẫn còn e ngại với con tôm "ngoại lai" này.

Lợi nhuận tương đồng

Năng suất nuôi tôm chân trắng hiện nay khá cao, bình quân 9-10 tấn/ha/vụ. Giá bán tôm chân trắng nguyên liệu thấp hơn tôm sú, nhưng do thời gian nuôi ngắn hơn nên xu hướng người nuôi chuyển dần diện tích nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng. Nuôi tôm sú công nghiệp rất khó đạt được kích cỡ  dưới 40 con/kg, thường chỉ đạt từ 40-70 con/kg, với kích cỡ này thì giá bán thương phẩm cũng không cao. Với tôm chân trắng cỡ 100 con/kg hiện nay bán được 68.000-72.000 đồng/kg. Như vậy, so với giá thành thì người nuôi có thể lãi từ 15.000-20.000 đồng/kg.

Hút bùn ao nuôi tôm

Theo tính toán của những người nuôi tôm, từ giá thành và giá bán tôm nguyên liệu của tôm sú và tôm chân trắng, người nuôi có thể thu được lợi nhuận trên một kg tôm của 2 loại là tương đương nhau.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các địa phương, nuôi tôm chân trắng có thể với mật độ cao hơn 2-3 lần so với tôm sú; hệ số thức ăn thấp hơn; thời gian nuôi ngắn hơn và hiện tại bệnh trên tôm chân trắng cũng ít hơn bệnh trên tôm sú. Vì vậy, người nuôi có xu hướng chuyển từ nuôi tôm sú sang nuôi tôm chân trắng.

Theo các chuyên gia thủy sản, một trong những lợi thế của tôm thẻ chân trắng là thời gian thu hoạch nhanh, từ khi thả tôm đến khi thu hoạch chỉ 70 - 80 ngày. Do vậy, có thể quay vòng đến 3 vụ nuôi/năm. Giá thành sản xuất 1kg tôm thẻ chân trắng từ 36.000 - 38.000 đồng. Với giá thị trường hiện nay, người nuôi tôm thẻ chân trắng lãi trên 18.000 đồng/kg (tức lãi trên 42% so với đồng vốn bỏ ra). Nếu một năm nuôi được 3 vụ "trơn tru" thì cộng  vốn, lãi suất, người nuôi tôm thẻ sẽ lãi đến trên 120%. Trong khi đó, con tôm sú mỗi năm chỉ nuôi được 1 vụ. Giá thành để nuôi được 1kg tôm sú từ 70.000 - 80.000 đồng. Với giá tôm sú hiện nay thì người nuôi nếu trúng cũng chỉ thu lãi trên 30%/năm.

Nỗi lo về dịch bệnh, chất lượng con giống

Năm 2003, Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có văn bản nghiêm cấm việc sản xuất giống và nuôi tôm thẻ chân trắng lẫn với tôm sú tại các tỉnh ĐBSCL. Bởi nhược điểm lớn nhất của tôm thẻ chân trắng là bị nhiều loại dịch bệnh, việc nhập lậu tôm bố mẹ, tôm giống (post) qua biên giới bằng đường bộ vốn rất phức tạp và khó kiểm soát làm kết quả nuôi không ổn định, hiện tượng tôm nhiễm bệnh dễ xảy ra... điều này tiếp tục là nỗi lo lắng của các tỉnh ĐBSCL trong mùa vụ tới.

Hiện nay, con giống tôm thẻ chân trắng chủ yếu được sản xuất từ các tỉnh miền Trung. Nhưng theo ngành chức năng của tỉnh Khánh Hòa, việc kiểm tra nguồn tôm thẻ chân trắng giống bố mẹ cực kỳ khó khăn. Bởi tôm bố mẹ ngoài việc được nhập vào tỉnh theo đường bộ còn được chuyên chở bằng đường máy bay; các cơ sở sản xuất giống thu mua tôm bố mẹ ở người nuôi rồi tiến hành cho nhân giống... không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng tôm bố mẹ khiến chất lượng con giống thả nuôi không đồng đều, kém chất lượng, ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng.

Các tỉnh ĐBSCL nuôi tôm thẻ chân trắng chủ yếu nhập giống từ các tỉnh miền Trung. Các tỉnh này có ưu thế trong việc lựa chọn con giống có chất lượng. Con giống chất lượng thấp hơn chắc chắn sẽ được đổ về các tỉnh ĐBSCL. Trong khi đó, tôm thẻ chân trắng sẽ có thể mắc các loại dịch bệnh như con tôm sú - nhưng chắc chắn mức độ sẽ trầm trọng hơn vì hiện nay chưa thể kiểm soát được chất lượng con giống.

Mặc dù hầu hết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đều gặt hái thành công, nhưng lãnh đạo các địa phương và những người có kinh nghiệm nuôi tôm ở ĐBSCL vẫn còn e ngại. Đã và đang diễn ra những "cuộc chiến" âm thầm giữa người nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng tại một số địa phương. Điển hình là ở vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, chỉ cách nhau một con đường nhỏ, nhưng trong khi phía bên Sóc Trăng đã nuôi tôm thẻ chân trắng từ nhiều năm nay thì phía Bạc Liêu, người nuôi con tôm này lại gặp sự phản ứng quyết liệt từ chính quyền và đặc biệt là những người nuôi tôm sú lâu năm. Hay trong cùng một tỉnh như tỉnh Tiền Giang, thì trong vụ nuôi năm 2009, xã Phước Trung 100% số hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, trong khi đó xã Vàm Láng cùng thuộc huyện Gò Công Đông - thì tất cả các hộ lại nuôi tôm sú!.

Tôm thẻ chân trắng - vẫn còn nhiều cái khó để phát triển

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, thị trường thế giới đang thiên về hướng tiêu thụ mạnh tôm thẻ chân trắng, nếu chúng ta không phát triển nhanh sẽ bỏ lỡ thời cơ, giảm thu nhập cho người nông dân. Chủ trương của Bộ là đẩy mạnh việc phát triển tôm thẻ chân trắng nhưng phải kiểm soát chặt chẽ về con giống, môi trường, quy hoạch vùng nuôi. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, chuyện phát triển nuôi đại trà tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL hãy còn xa...

Về việc nuôi tôm thẻ chân trắng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy định về điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm thẻ chân trắng ban hành kèm theo Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, đối với các tỉnh Nam Bộ (Đông Nam Bộ và ĐBSCL) nuôi tôm thẻ chân trắng phải theo hình thức thâm canh và nằm trong vùng quy hoạch của địa phương; hệ thống cấp và thoát nước trong cơ sở nuôi phải được bố trí riêng để tránh gây ô nhiễm... Tuy nhiên, theo các tỉnh ĐBSCL, quy định này về lâu dài thì phù hợp, nhưng trong thời điểm hiện nay, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng khó có thể cách ly với vùng nuôi tôm sú để kiểm soát về dịch bệnh, môi trường...

Ngoài vấn đề trên, dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã "bật đèn xanh"cho việc nuôi tôm thẻ chân trắng ở ĐBSCL, ban hành cả quy định về sản xuất con giống, cơ sở nuôi..., tuy nhiên cho đến giờ này vẫn chưa có chỉ thị, văn bản hướng dẫn, quy định xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Mặt khác, các địa phương ở ĐBSCL cho rằng, con tôm thẻ chân trắng đã có một quá trình phát triển nhưng hiện nay, quy trình kỹ thuật nuôi chưa được hoàn chỉnh, nên rất khó triển khai hướng dẫn người dân phát triển đối tượng nuôi này trong thời gian tới.