00:00 Số lượt truy cập: 2690121

ĐBSCL tích cực chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương thuộc vựa lúa Đồng bằng Cửu Long đang xúc tiến những nỗ lực chuyển dịch cơ cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng chú trọng tính chuyên canh và nâng cao chất lượng sản phẩm.


Theo đó, diện tích lúa - cây trồng chủ lực đã cùng với thuỷ sản tạo dựng thương hiệu của đồng bằng Cửu Long ở thị trường trong nước và quốc tế nhiều năm nay - dự kiến sẽ được giữ ổn định ở mức khoảng 3,8 triệu ha từ nay đến năm 2010 để có thể cung cấp khoảng 4-5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu hàng năm.

Với sự hỗ trợ từ Nhà nước, các địa phương trong vùng sẽ tập trung đầu tư cho khâu chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu và hạn chế tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch vốn đang ở mức rất cao hiện nay, từ 20-30%.

Trước mắt, khoảng 30 trung tâm chế biến gạo xuất khẩu với tổng công suất 3-3,5 triệu tấn/năm sẽ được hình thành trong 3-4 năm tới; đồng thời, các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tiếp tục được mở rộng để cung cấp gạo ngon và sạch cho xuất khẩu.

Cùng với cây lúa, lợi thế về cây ăn quả đa dạng, phong phú và chất lượng thơm ngon tự nhiên cũng sẽ được phát huy để nâng cao sức cạnh tranh cho nông nghiệp đồng bằng Cửu Long.

Dự kiến, toàn vùng sẽ tăng thêm khoảng 100.000 ha cây ăn quả để đến năm 2010 đạt 400.000 ha, hình thành các vùng chuyên canh qui mô lớn, chất lượng cao gồm các loại cây có giá trị như xoài, nhãn, cam, bưởi, quýt đường, dưa, vú sữa, măng cụt, sầu riêng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chủ trương khuyến khích mọi tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu lai tạo và sản xuất giống cây trồng, vật nuôi tốt để đáp ứng nhu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hoá ở đồng bằng Cửu Long. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở chế biến xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ nông sản hàng hoá cho nông dân.

Đồng bằng Cửu Long là một trong 7 vùng kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc. Với gần 3 triệu ha đất nông nghiệp đang sử dụng, chiếm 32% tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước, vùng này thường chiếm tới 40% tổng giá trị giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hàng năm của cả nước.