Với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc và gia cầm, nhất là bệnh lở mồm long móng, bệnh tai xanh ở lợn và cúm A(H5N1) ở gia cầm, hiện nay thành phố Đà Nẵng đã triển khai 6 biện pháp tích cực phục vụ công tác này.
Nội dung 6 biện pháp đó là: đẩy mạnh tuyên truyền đến đông đảo nhân dân tự giác tham gia phòng chống dịch; thực hiện nghiêm túc tiêm văc xin phòng dịch, đảm bảo thời gian, số lần tiêm phòng; phát động phong trào vệ sinh tiêu độc khử trùng đến các cơ sở chăn nuôi giết mổ. Hình thành Đội phun thuốc ở các xã phường để chủ động phun thuốc cho những vùng chăn nuôi nhỏ lẻ; sắp xếp, kiện toàn hệ thống các điểm giết mổ, mua bán động vật và sản phẩm động vật, trong đó tập trung vào các điểm giết mổ lớn như như Đà Sơn, Hoà Thọ Tây, Hoà Tỉến, Hoà Phong và tại các chợ trên dịa bàn; khuyến khích các hộ, tổ chức chăn nuôi theo hướng tập trung, công nghiệp và bán công nghiệp. Tiến tới xoá bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ để xây dựng nền chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo mức độ an toàn sức khoẻ cho cộng đồng; Nâng cao chất lượng giám sát về các mặt: tổ chức tốt giám sát tại các trạm kiểm dịch ở cửa ngõ ra vào thành phố như trạm Kim Liên, Hoà Phước; giám sát chặt các cơ sở giêt mổ; tăng cường kiểm tra việc mua bán sản phẩm động vật tại các nhà hàng, quán ăn, kiên quyết tịch thu và xử lý những trường hợp buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc; chú trọng hơn nữa việc tổ chức nhân dân giám sát đàn vật nuôi, tự giác tham gia công tác phòng chống dịch.
Vừa qua, trên địa bàn Đà Nẵng đã xuất hiện dịch bệnh tai xanh ở lợn với số lượng hơn 1.000 con bị mắc bệnh, nhưng do có sự phối hợp chỉ đạo quyết liệt của các đơn vị chức năng, nên chỉ sau hơn 1 tháng dịch bệnh đã được khống chế, dập tắt. Còn những bệnh dịch nguy hiểm khác vẫn không xuất hiện , mặc dù các địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã xuất hiện như: cúm gia cầm, liên cầu khuẩn ở lợn, bệnh dại...đã xuất hiện và lan rộng, nhưng thành phố Đà Nẵng vẫn an toàn./.