00:00 Số lượt truy cập: 3234449

Đà Nẵng giải quyết việc làm cho nông dân vùng bị thu hồi đất 

Được đăng : 03/11/2016
Những năm qua, quá trình đô thị hóa, chỉnh trang đô thị đã tạo nên diện mạo mới cho TP Ðà Nẵng. Tuy nhiên, đi kèm đó cũng phát sinh không ít những khó khăn, bất cập, nhất là vấn đề chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm cho hàng nghìn hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Ðà Nẵng Nguyễn Quang Nga, đến cuối năm 2007, toàn thành phố có hơn 20 nghìn hộ nông dân (trên tổng số gần 30 nghìn hộ nông nghiệp) bị thu hồi đất, chỉ tính riêng diện tích đất sản xuất lúa là 1.959 ha (trong tổng số 5.200 ha đất lúa), cho những công trình, dự án công nghiệp, dịch vụ, chỉnh trang đô thị (CTÐT).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Xuân Anh cho biết, Liên Chiểu là quận được hình thành từ một số xã thuần nông thuộc huyện Hòa Vang,  là nơi có tốc độ đô thị hóa (ÐTH) nhanh của Ðà Nẵng. Từ năm 1997 đến 2006, diện tích lúa của quận giảm từ 1.344 ha xuống còn 693 ha. Ðến nay, toàn quận bị mất khoảng 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, kéo theo 4.200 lao động thiếu việc làm.

Quận Thanh Khê có 7.057 hộ bị thu hồi đất (chiếm 22,38% tổng số hộ toàn quận); số diện tích đất thu hồi là 218,9 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp của 233 hộ ở ba phường An Khê, Thanh Lộc Ðán, Xuân Hà đã thu hồi là 85,63 ha (chiếm 75% diện tích đất nông nghiệp của quận). Thanh Khê được xác định là một trong những quận trung tâm của TP Ðà Nẵng, vì vậy tốc độ  ÐTH ở đây tiếp tục được đẩy mạnh. Với tốc độ đô thị hóa như hiện nay và theo quy hoạch phát triển của TP Ðà Nẵng đến năm 2010 thì mỗi năm thành phố tiếp  tục có từ 5.000 đến 7.000 lao động thiếu việc làm do bị thu hồi đất.

Trong quá trình ÐTH, CTÐT, mặc dù TP Ðà Nẵng đã có nhiều cố gắng trong thực hiện các chính sách đền bù, tái định cư như tổ chức các lớp học nghề, cho vay vốn để sản xuất, kinh doanh nhưng nhìn chung kết quả còn hạn chế. Qua khảo sát cụ thể tại hai phường Khuê Trung và Hòa Cường cho thấy: Ở Khuê Trung, diện tích đất bị thu hồi là 211,38 ha (chiếm 67,90% diện tích phường); số hộ giải tỏa là 2.950 hộ (chiếm 78% tổng số hộ), số lao động thiếu việc làm là 3.332 người, trong đó 999 lao động nông nghiệp. Ðến nay, mới chỉ có 122 lao động chuyển đổi nghề, 3.088 người có việc làm nhưng không ổn định, 350 người không tìm được việc làm. Phường Hòa Cường có 440 ha đất bị thu hồi, số lao động mất việc làm 720 người, đến nay mới có 125 người có việc làm ổn định, 317 người có việc làm nhưng không ổn định, 278 người không tìm được việc làm.

Tháng 4-2005, UBND thành phố Ðà Nẵng ban hành Ðề án 65 về "Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải tỏa trên địa bàn".

Theo đó thành phố thực hiện các giải pháp như bảo đảm nguồn kinh phí cho vay chuyển đổi nghề; trợ giúp học nghề và giảm học phí cho con em các hộ bị thu hồi đất; trợ giúp kinh phí cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động; quy hoạch ba, bốn vùng rau chuyên canh, quy mô từ 30 đến 50 ha/vùng tại địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu và Hòa Vang nhằm giải quyết việc làm cho các hộ nông dân không còn đất sản xuất.
Theo đánh giá của Sở LÐ-TB và XH thành phố Ðà Nẵng, sau hai năm (2006-2007) triển khai  các giải pháp trên, kết quả cho thấy, với tổng số tiền đầu tư cho các dự án tạo việc làm là hơn 5,1 tỷ đồng, đã có 330  người có việc làm. Một số mô hình gắn đào tạo với bố trí giải quyết việc làm có hiệu quả như Trung tâm đào tạo nghề Hòa Vang; Cơ sở dạy nghề quận Ngũ Hành Sơn; Trung tâm xúc tiến du lịch...

Bên cạnh đó, Trung tâm khuyến ngư thành phố phối hợp Hội Nông dân tổ chức 25 lớp tập huấn hướng dẫn cách làm ăn, 18 mô hình khuyến nông có hiệu quả. Hội Nông dân quận Liên Chiểu tổ chức mô hình chăn nuôi thỏ; hướng dẫn kỹ thuật trồng nấm sò, nấm rơm, rau sạch, cây cảnh, chế biến nước mắm cho gần 300 lao động. Hai năm qua, ngành giáo dục cũng miễn, giảm học phí cho 2.789 học sinh là con các hộ bị thu hồi đất với tổng số tiền gần 588 triệu đồng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, các giải pháp thực hiện chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập khi đi vào thực tế...

Theo Chủ tịch Hội Nông dân TP Ðà Nẵng Nguyễn Quang Nga, sở dĩ kết quả đạt được còn thấp so với yêu cầu là do cả từ "hai phía". Một số nơi cấp ủy, chính quyền chỉ đạo chưa quyết liệt, thường xuyên; các cơ quan chức năng và hội đoàn thể còn thiếu sự gắn kết, ràng buộc bằng cơ chế, quy chế cụ thể, phân rõ trách nhiệm; các đơn vị chức năng  chưa phối hợp chặt chẽ trong việc nắm chắc số lượng các hộ bị mất đất, để kịp thời tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc. Kinh phí dành cho đào tạo nghề còn hạn  chế, nặng về phân bổ chỉ tiêu dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, chưa đáp ứng yêu cầu về tay nghề của các doanh nghiệp. Việc đầu tư xây dựng các vùng rau sạch để thu hút số nông dân lớn tuổi, đồng thời tạo nguồn thực phẩm an toàn, vùng sinh thái du lịch chưa thực hiện được.

Giải pháp vận động các doanh nghiệp được giao đất tại các KCN, địa bàn giải tỏa tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc trong các doanh nghiệp không mang lại kết quả. Về phía người nông dân, số lao động nông nghiệp lớn tuổi chiếm tỷ lệ cao khó chuyển đổi  nghề, một số hộ chưa ý thức được sự cần thiết trong việc đầu tư cho việc chuyển đổi ngành nghề, tạo việc làm mới khi không còn đất sản xuất,...

Nhằm thực hiện tốt hơn việc chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống các đối tượng trong diện thu hồi đất, Sở LÐ-TB và XH thành phố Ðà Nẵng chỉ đạo ngành tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, trong đó tập trung phối hợp với Hội Nông dân thành phố điều tra, khảo sát tình hình đời sống hộ lao động bị mất đất sản xuất, di dời giải tỏa trên địa bàn, phân loại nguồn lao động của các hộ để có kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm phù hợp.

Sở kiến nghị thành phố bổ sung, sửa đổi  chính sách miễn giảm học phí; nâng mức hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề, tạo việc làm; đổi mới phương thức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, bảo đảm đúng đối tượng; đề xuất thực hiện cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề nhận đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động thuộc đối tượng của Ðề án 65...

Với TP Ðà Nẵng, mặc dù sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng GDP 4-5%, sản lượng lương thực hằng năm khoảng 45 nghìn tấn, nhưng trong tình hình hiện nay, việc bình ổn, bảo đảm cung cấp lương thực tại chỗ có ý nghĩa quan trọng, góp phần giảm bớt khó khăn trước hết cho chính những người nông dân trên địa bàn.

Bởi vậy, thành phố cần sớm quy hoạch các vùng sản xuất lâu dài, ổn định để nông dân yên tâm đầu tư canh tác, không nên tiếp tục thu hồi đất sản xuất lúa để xây dựng các công trình và khai thác quỹ đất, mà nên khai thác những diện tích gò đồi, hoang hóa, đất sản xuất xấu không hiệu quả để phát triển các công trình, KCN. Với các xã có nghề trồng rau truyền thống, cần để lại diện tích nhất định để trồng rau, vừa giải quyết việc làm tại chỗ, bảo đảm đời sống, vừa góp phần tạo nguồn  cung cấp rau cho thành phố. Mặt khác, cần tiến hành rà soát và có biện pháp xử lý đối với những dự án đã thu hồi đất nông nghiệp nhưng triển khai quá chậm (hoặc triển khai đối phó), có dấu hiệu "treo". Kiên quyết làm rõ, xử lý nghiêm đối với những trường hợp lấn chiếm đất trái phép mà vụ việc ở Trại giống tằm Bà Nà nằm trên địa bàn hai xã Hòa Phú, Hòa Ninh là một thí dụ cụ thể, từ 160 ha (năm 1982) đến nay chỉ còn 2,69 ha; hơn 157 ha đất công đã bị một số cán bộ biến thành đất tư,...

Trong bối cảnh tình hình biến động giá cả hiện nay, các hộ nông dân mất đất sản xuất càng gặp nhiều khó khăn, thành phố cần quan tâm, đầu tư hơn nữa về kinh phí học nghề, chuyển nghề; hỗ trợ cho những lao động nông nghiệp lớn tuổi không đủ sức sản xuất.

Cần xem xét lại mức giá đền bù đối với đất nông nghiệp bởi mức giá hiện tại là quá thấp (28 nghìn đồng/m2 năm 2007, trong khi năm 2006 đã là 35 nghìn đồng/m2). Ðối với đất lâm nghiệp, những người được giao đất nhưng không sử dụng đúng mục đích, thì không đền bù khi có quyết định thu hồi đất. Việc chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và cho nông dân bị thu hồi đất sản xuất nói riêng, đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ, huy động được sức mạnh tổng lực của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, đoàn thể, các doanh nghiệp và sự nỗ lực của người lao động.