Những năm gần đây, dịch ve sầu hại cây cà phê đang có xu hướng lan rộng trên địa bàn Đắc Lắc. Trên những diện tích cà phê bị ve sầu phá hoại, vườn cây nhanh xuống cấp, năng suất, chất lượng sản phẩm giảm đáng kể. Những cây cà phê bị ve sầu phá hoại không thể phục hồi được, phải trồng lại nên tốn kém công sức và tiền đầu tư.
Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2005 đến 2007, tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh Đắc Lắc đều có những vườn cà phê bị ve sầu phá hoại với mức độ khác nhau. Trong đó, các huyện Krông Buk, Krông Pách, Cư M'ga, Buôn Đôn, Krông Năng và TP Buôn Ma Thuột bị ve sâu phá hại nhiều diện tích cà phê với mức nhẹ là 3.815 ha, trung bình 524 ha và nặng 155 ha. Mật độ tại các vùng biến động là 92 con ve sầu/gốc cà phê với tỉ lệ cây bị hại chiếm 94,3%. Tuy nhiên, cũng có vùng nhiễm với mật độ từ 500 đến 800 con ve sầu/gốc cà phê. Thời điểm có mật độ cao là từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.
Qua nghiên cứu đặc điểm sinh thái của ve sầu, Chi cục bảo vệ thực vật đã khuyến cáo nông dân, doanh nghiệp thực hiện mốt số giải pháp như sau: Trước tiên, phải tăng cường kiểm tra vườn cây để phát hiện sâu bệnh. Phải bảo vệ các loài sinh vật có ích như kiến vàng, các loài ong, các loài rắn, chim chuột, kỳ nhông... Đối với người lao động khi phát hiện dịch ve sầu thì tập trung phòng trừ tại những cây cà phê vàng lá, rụng quả do có mật độ ve sầu nhiều. Dùng keo dính hoặc băng keo quấn quanh gốc cà phê vào thời điểm ấu trùng bắt đầu chu kỳ lột xác. Sau đó dùng tay bắt ve sầu lên lột xác. Trong những tháng mùa hè, dùng lưới kết hợp sử dụng ánh sáng điện để bắt ve sầu trưởng thành. Sử dụng thuốc trừ sâu sinh học có nguồn gốc từ nấm Metahiziumvà các loại thuốc chống lột xác như Butyl 10WP, Aplau... để phòng trừ ấu trùng ve sầu dưới đất. Dùng vôi bột hoà nước tưới gốc với nồng độ 2%; thu bắt ấu trùng chui lên khỏi mắt đất. Trong một số trường hợp có thể dùng hoá chất phun lên cây vào thời điểm ve sầu đẻ trứng và sâu non mới nở.