00:00 Số lượt truy cập: 2677335

Đắc Lắc: Huyện Lắc phát triển kinh tế trang trại theo vùng sinh thái 

Được đăng : 03/11/2016

Đến nay, huyện Lắc (tỉnh Đắc Lắc) đã phát triển được 43 trang trại, trong đó có 27 trang trại trồng cây hàng năm, có 11 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, 5 trang trại trồng cây lâu năm, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm... với tổng diện tích trên 425 ha.

 

 


Huyện đã qui hoạch phát triển kinh tế trang trại theo 5 vùng sinh thái. Vùng 1 là các xã Yang Tao, Bông Krang, một phần thị trấn Liên Sơn. Tại các vùng này có đất pha cát bạc màu, có diện tích rừng nhiều, do vậy các chủ trang trại đã đầu tư phát triển gieo trồng lúa nước, cây ngô lai, sắn cao sản, cây lâm nghiệp, chăn nuôi gia súc. Vùng 2 sinh thái, gồm các xã Buôn Triết, Buôn Tría, Đắc Liêng có đất phù sa màu mỡ, thích hợp phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, ngô lai. Vùng 3, gồm các xã có vùng đất đỏ bazan, đất đai màu mỡ, đất rừng; các chủ trang trại đã đầu tư phát triển trồng ngô lai, chăn nuôi trâu, bò, trồng cây công nghiệp ở các xã Đắc Phơi, Đắc Nuê. Vùng 4 là xã Krông Nô, có diện tích đất bồi phù sa ven sông, có lượng mưa trong năm nhiều, các chủ trang trại đầu tư xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả, chăn nuôi lợn, trồng ngô lai...

Phần lớn các trang trại ở huyện Lắc đều phát triển ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại chỗ. Các chủ trang trại đã đầu tư vốn mua sắm các loại phương tiện cơ giới để làm đất, làm cỏ, vận chuyển vật tư, phân bón, sản phẩm nông sản hàng hoá. Nhiều trang trại của bà con đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng từ thâm canh cây trồng, vật nuôi. Trang trại của anh Điểu Quyết đã trồng rừng kinh tế, kết hợp với chăn nuôi bò, lợn rừng (lợn rừng đã qua lai tạo F1), mỗi năm thu lãi trên 50 triệu đồng... đồng thời giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 15 lao động quanh vùng.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các trang trại trên địa bàn huyện Lắc vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại, nên khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, do đó đã hạn chế trong việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của các chủ trang trại./.