00:00 Số lượt truy cập: 2677015

Đắc Lắc: mở rộng diện tích trồng giống trái cây Nam Bộ 

Được đăng : 03/11/2016

Từ nhiều năm qua các loại cây ăn quả chất lượng cao như: sầu riêng hạt lép, chôm chôm, măng cụt, xoài cát Hòa Lộc, mít tố nữ, mít nghệ, nhãn da bò, bưởi xanh, quýt đường, bòn bon... là những giống cây được chọn lọc ở các vườn giống từ các tỉnh Nam bộ và nước ngoài.


Theo thống kê, tỉnh Đắc Lắc đã trồng được khoảng 10.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó có nhiều vườn cây đã cho thu hoạch. Các địa phương có vùng đất bazan rộng lớn và màu mỡ như huyện: Chư M’gar, Krông Buk, Krông Năng, Krông Pách, Ea H’leo và thành phố Buôn Ma Thuột đã trồng được từ 500 đến trên 2.000 ha cây ăn quả các loại. Nhiều nông dân đã trồng các loại cây ăn quả chất lượng cao để cải tạo vườn tạp trong trong vườn thổ cư. Nhiều hộ trồng cây ăn quả sầu riêng, chôm chôm, nhãn xen ghép với cây cà phê, hoặc trồng xung quanh vườn để tạo vành đai chắn gió, vừa có tác dụng bảo vệ cho cây công nghiệp, vừa tạo thêm sản phẩm, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Một số hộ nông dân có kinh nghiệm sản xuất và có vốn đã mở trang trại trồng cây ăn quả rộng từ 1 đến 5 ha.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng tiến hành đầu tư vào các vườn cây ăn trái. Cụ thể: Công ty cổ phần Đoàn Kết (thành phố Buôn Ma Thuột) đã trồng trên 200 ha cây sầu riêng hạt lép xen với cây cà phê kinh doanh theo mô hình sản xuất sinh thái. Trên 1 ha, Công ty trồng 1.100 cây cà phê và trồng xen trên 100 cây sầu riêng hạt lép, tương ứng với mật độ vườn cây trồng thuần. Với mô hình sản xuất này, cây sầu riêng làm vai trò che bóng và chắn gió cho cây cà phê phát triển. Được chăm bón đầy đủ cả 2 loại cây đều phát triển và sinh trưởng tốt. Hiện nay, trên 1 ha trồng xen ghép này, công ty thu 3 tấn nhân cà phê và từ 3 tấn đến 10 tấn quả sầu riêng với giá trị kinh tế cao gấp 2 lần trồng thuần loại 1 thứ cây. Năm 2004, Công ty cà phê Phước An đã đưa cây sầu riêng trồng xen với cà phê kinh doanh trên 1.000 ha với mật độ 100 cây sầu riêng cho mỗi ha.

Với điều kiện thời tiết và khí hậu của Đắc Lắc khác với vùng Nam Bộ và các tỉnh phía bắc, những loại cây ở đây ra quả chậm hơn từ 30 đến trên 60 ngày. Đặc biệt, một vài loại cây được đưa về trồng ở Đắc Lắc lại cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn những nơi khác, đã đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Đây là lợi thế lớn cho nông dân phát triển các loại cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá.