Trong 05 năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các đề tài, dự án ứng dụng khoa học và công nghệ cho nông dân với 133 nhiệm vụ trong đó 78 đề tài, dự án cấp tỉnh, 55 đề tài cấp huyện, kết quả đã xây dựng được 126 mô hình.
Các đề tài ứng dụng cho cấp huyện, hỗ trợ nông dân triển khai chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm 95%, các lĩnh vực khác chiếm 5%. Cụ thể một số kết quả nổi bật như sau:
- Trong trồng trọt: đối với cây ngắn ngày đã đưa các giống lúa lai vào vùng khó khăn chuyển giao các giống lúa mới như SYN 6; B-TE1; PHB 71; BIO 404 tại Buôn Kbu, xã Hòa Khánh, Thành phố Buôn Ma Thuột. Sản xuất giống lúa xác nhận (giống lúa ML48 và giống lúa HT1) tại 2 xã Hòa Lễ và Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông. Đối với cây lâu năm đã chuyển giao đưa giống cây mắc-ca vào trồng mô hình tại các huyện Krông Ana, Krông Năng. Xây dựng mô hình trồng bơ trái vụ xen trong vườn ca cao, cà phê tại các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Năng. Xây dụng mô hình trồng cây Thanh Long ruột đỏ, cây me Thái Lan tại huyện Buôn Đôn, trồng cà chua và hoa lan tại huyện Cư M’Gar.
- Chăn nuôi: thực hiện chuyển giao một số tiến bộ về cải tạo đàn bò tại huyện Ea Kar, mô hình chăn nuôi gà sao, một số mô hình nuôi nhím, nuôi heo rừng, nuôi ếch thương phẩm, chim công, gà Đông cảo, dúi thương phẩm.. Các mô hình này bước đầu đã chuyển giao được đến với người dân tại các xã vùng sâu vùng xa, được hưởng ứng và nhân rộng khá có hiệu quả.
- Công nghệ sinh học: Ứng dụng rất thành công nhiều mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh từ các phế phụ phẩm nông nghiệp tại huyện Cư M’gar, Krông Buk, Ea Súp…Sử dụng các nguồn men vi sinh thế hệ mới rút ngắn rất đáng kể thời gian ủ. Đây được coi là là chương trình ứng dụng có hiệu quả nhất, được người dân tiếp thu nhanh, góp phần rất quan trọng vào hữu cơ hóa nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển giao công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà tại huyện Ea Kar.
- Ứng dụng công nghệ thông tin: xây dựng một số mô hình thư viện điện tử tại huyện Ea H’leo, Ea Súp, Krông Bông, thị xã Buôn Hồ, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk. Kết quả các mô hình này đã giúp người dân khai thác khá hiệu quả các thông tin về lĩnh vực nông lâm nghiệp áp dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống. Ngoài ra trong ngành giáo dục đã chuyển giao các mô hình ứng dụng tin học đưa vào giảng dạy bậc tiểu học, chất lượng dạy và học được nâng lên và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong các kỳ thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi và giáo viên giỏi.