Ngày 18/6/2010, trạm Khuyến nông huyện Buôn Đôn đã kết hợp với công ty Vườn Sinh Thái Trung Việt tổ chức hội thảo mô hình ủ phân vi sinh bằng vỏ cà phê tại xã Eanuôl - Buôn Đôn. Trước đây bà con xay xong cà phê thường đổ hết vỏ ra vườn. Vvỏ cà phê khó phân huỷ, cây không hấp thu được chất dinh dưỡng, gây ô nhiễm môi trường và làm phát tán nhiều mầm bệnh.
Vỏ cà phê có hàm lượng đường rất cao (14,4%), trong đó đường khử chiếm 12,4% cùng với hàm lượng prôtêin (10,1%) với 18 loại axit amin và hàm lượng hữu cơ trong đó cũng rất cao. Hàm lượng Cenllulosetrong vỏ cà phê là 63,2%, lignin 17,7% hai thành phần trên nếu được phân huỷ sẽ tạo mùn. Ngoài ra còn có các loại khoáng vi lượng. Qua hội thảo, bà con đã được tiếp cận với kỹ thuật ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê. Theo đó:
Nguyên liệu ủ phân vi sinh gồm:
- Vỏ cà phê: 1.000 kg
- Phân chuồng: 200kg
- Lân: 25-50kg
- Phân Urê: 10kg
- Chế phẩm men vi sinh: 2-2.5kg
Cách phối trộn nguyên liệu và ủ như sau:
+ Vỏ quả cà phê được tưới nước đủ ẩm cho toàn bộ khối ủ và trộn đều với phân chuồng, phân lân, phân urê và tưới dung dịch đã được hoà đều với nước sạch.
+ Tiến hành lên luống cao 1,3 - 1,5m, bề rộng luống từ 2,3 -3m chiều dài luống tuỳ thuộc vào khối lượng nguyên liệu ủ.
+ Dùng bạt hay rơm rạ phủ đống ủ để giữ ẩm và giữ nhiệt cho đống ủ.
+Sau 25-30 ngày tiến hành đảo trộn đống ủ và tưới nước bổ sung nếu đống ủ thiếu ẩm.
+ Sau 2-2,5 tháng vỏ cà phê hoai mục có thể sử dụng để bón cho cây trồng.
Việc tổ chức triển khai xây dựng mô hình trình diễn sử dụng các phế phẩm nông nghiệp như: vỏ cà phê, rơm rạ mục, các loại cây đậu đỗ... làm phân hữu cơ vi sinh đã được bà con nông dân ứng dụng rộng rãi trên địa bàn toàn huyện. Đây là nguồn nguyên liệu lý tưởng để làm ra phân hữu cơ vi sinh có hàm lượng hữu cơ cao, vi sinh vật có ích hàm lượng dinh dưỡng khoáng đầy đủ và cân đối rất tốt để bón cho cây cà phê giúp đất tơi xốp, kích thích sự phát triển bộ rễ, giảm hàm lượng phân hoá học, giảm sâu bệnh hại và ô nhiễm môi trường nâng cao hiệu quả kinh tế .