00:00 Số lượt truy cập: 3228948

Đắk Lắk sản xuất nhiều thiết bị chế biến cà phê chất lượng cao 

Được đăng : 03/11/2016
Ngành cơ khí tỉnh Đắk Lắk đã nghiên cứu, sản xuất thành công trên 7 loại đầu máy, thiết bị phục vụ thu hái, chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nhân xuất khẩu.


Một góc dây chuyền chế biến cà phê chất lượng
 cao của Simexco Dak Lak. Ảnh: báo Đắk Lắk



Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, cách đây hơn 10 năm, phần lớn các máy móc, thiết bị chế biến cà phê trên địa bàn đều nhập từ nước ngoài hoặc từ các địa phương khác. Vài năm gần đây, ngành cơ khí tỉnh Đắk Lắk đã nghiên cứu, sản xuất thành công các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến cà phê. Theo đó, nhiều loại máy sản xuất đã ra đời như: máy chế biến cà phê theo quy trình công nghệ chế biến ướt cụm hộ gia đình, hệ thống chế biến cà phê ướt, thiết bị xay xát cà phê quả tươi, khô; thiết bị sấy trống quay, sấy tháp; thiết bị rửa, tách quả nổi cà phê tươi.

Ngoài ra, doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn chủ động nghiên cứu, sản xuất các loại máy, thiết bị sàn tách đá, sàn trọng lượng, máy tuốt quả cà phê… Các loại máy móc, thiết bị này không những có chất lượng cao mà giá thành thấp hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập từ các nước khác nên được nhiều doanh nghiệp, nông hộ sản xuất kinh doanh cà phê ưa chuộng. Hiện, một số máy móc, thiết bị chế biến cà phê đã được xuất khẩu sang một số thị trường có sản xuất cà phê và được đánh giá cao.

Các doanh nghiệp cơ khí như Viết Hiền, Đăng Phong, Văn Huy… có một số sản phẩm cơ khí nổi trội. Cụ thể, dây chuyền thiết bị chế biến cà phê nhân công suất từ 3- 30 tấn nhân/giờ, thiết bị xát khô cà phê công suất từ 500-1.000 kg/giờ, thiết bị xát tươi quả cà phê công suất từ 2- 3 tấn quả/giờ, dây chuyền chế biến cà phê theo công nghệ chế biến ướt cụm hộ gia đình có công suất từ 700-1.000 kg cà phê/giờ. Các doanh nghiệp cơ khí trên còn sản xuất cối chế biến cà phê thiết bị sấy trống, thiết bị rang, xay cà phê bột…Doanh nghiệp cơ khí cũng sản xuất thiết bị tưới cà phê cho địa phương, đảm bảo đáp ứng 70- 95% nhu cầu.

Hiện nay, Đắk Lắk có 278 doanh nghiệp cơ khí, thu hút trên 8.718 lao động, vốn sản xuất kinh doanh bình quân mỗi năm 5.189 tỷ đồng. Từ nay đến năm 2020, ngành cơ khí tỉnh Đắk Lắk tập trung phát triển nhóm ngành sản xuất máy móc để nâng cao giá trị các nông sản có thế mạnh của địa phương như: cà phê, ngô lai, đậu đỗ các loại…./.