00:00 Số lượt truy cập: 3228141

Đăk Nông: Kết quả Chương trình nuôi heo thịt năm 2006 

Được đăng : 03/11/2016
Đăk Nông là một tỉnh nông nghiệp miền núi, tổng diện tích đất tự nhiên 651.345 ha (trong đó đất nông nghiệp chiếm 31,14%, đất dùng vào lâm nghiệp chiếm 56,6%). Dân số đến năm 2005 gần 410 ngàn người, khu vực nông thôn có 349.082 người chiếm 85,4% dân số.

Toàn tỉnh có 170.601 lao động, trong đó lao động nông, lâm nghiệp là 142.725 chiếm trên 83,7 % tổng số lao động. Tỷ trọng khu vực nông nghiệp chiếm 59,7% tổng sản phẩm toàn tỉnh. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, lâm nghiệp năm 2005 đạt 2.548 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm 5%. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng 5,03% giá trị sản xuất nông lâm nghiệp (tổng đàn trâu gần 5.000 con, đàn bò có trên 15.000 con; tổng đàn heo có gần 125.000 con, sản lượng thịt heo xuất chuồng hàng năm đạt trên 10.000 tấn), chăn nuôi có sự phát triển nhưng tốc độ chậm, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.

Nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Năm 2006, bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia hướng dẫn người nghèo làm khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng 13 mô hình trình diễn (mỗi mô hình 2con) nuôi heo thịt tại 13 xã thuộc vùng III, vùng đặc biệt khó khăn. Các hộ được lựa chọn làm mô hình là người đồng bào dân tộc tại chỗ.

Để mô hình triển khai đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông chỉ đạo cán bộ kỹ thuật phối hợp với các Trạm khuyến nông huyện lựa chọn mua con giống, thức ăn cấp cho các hộ làm mô hình. Tổ chức 27 lớp tập huấn cho 1.080 lượt người tham gia. Thông qua lớp tập huấn, các hộ được cấp tài liệu, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho heo. Tổ chức 13 cuộc hội thảo đầu chuồng cho 390 lượt người đang quan tâm đến chăn nuôi heo tham gia học tập chia sẽ kinh nghiệm.
Sau 4 tháng nuôi tăng trọng bình quân đạt 85kg/con, lãi bình quân đạt 65.000 đ/con. Do trong năm 2006 tình hình dịch bệnh lỡ mồm long móng bùng phát, giá heo hơi thị trường tỉnh Đăk Nông tại thời điểm tháng 10 rất thấp (15.000 đ/kg) nên hiệu quả kinh tế đạt được không cao. Tuy nhiên thành công lớn nhất của chương trình là ở chỗ giúp người nông dân (đặc biệt là người đồng bào dân tộc tại chỗ có tập quán chăn nuôi heo thả rông) nắm được kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trị bệnh, sử dụng thức ăn tổng hợp theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời biết tận dụng thức ăn sẵn có tại địa phương như ngô, đậu tương, cám gạo,... là nguồn nguyên liệu rẽ tiền để việc chăn nuôi trong gia đình đạt hiệu quả cao hơn. Từ đó dần dần thay đổi tập quán nuôi thả rông, áp dụng nuôi nhốt chuồng vừa tăng hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.