Sau khi xay xát cà phê, anh Hoàng Văn Chung, thôn 11, xã Trường Xuân (Đắk Song) thường tận dụng vỏ cà phê ủ hoai mục để bón cho cây trồng
Từ làm thức ăn chăn nuôi và tái tạo năng lượng
Gia đình ông Hoàng Văn Bàn, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đã gắn bó với nghề nuôi cá từ nhiều năm nay, cho biết: “Gia đình tôi có gần 1,2 ha mặt nước nuôi cá. Ngoài việc bổ sung nguồn thức ăn từ cám công nghiệp, gia đình tôi chủ yếu sử dụng cỏ và các loại phụ phẩm nông nghiệp để nuôi cá. Các giống cá như rô phi, mè, trắm rất ưa loại thức ăn này".
Tương tự, gia đình anh Trần Văn Xuân, thôn 3, xã Đắk N'drót (Đắk Mil) cũng tận dụng các phụ phẩm từ việc nấu rượu, làm đậu hũ để nuôi heo. Anh Xuân cho biết: “Trong quá trình nấu rượu và làm đậu hũ để bán, gia đình tôi đã tận dụng bã của chúng để làm thức ăn cho heo. Các loại phụ phẩm này vẫn còn giá trị dinh dưỡng cao nên đàn heo rất chóng lớn. Vì nguồn thức ăn tận dụng được nên cũng tiết kiệm thêm một khoản, lợi nhuận từ nuôi heo cũng cao hơn”.
Còn gia đình ông Võ Phan Thái, thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) lại sử dụng chất thải để tái tạo năng lượng phục vụ cho đời sống. Theo ông Thái thì trong quá trình chăn nuôi, nếu chất thải không được xử lý đúng thì sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường. Vì vậy, sau khi được cán bộ khuyến nông giới thiệu, hướng dẫn về công nghệ xử lý chất thải bằng hầm biogas, ông đã tiến hành xây dựng và cho hiệu quả khá tốt.
Nhờ đó, hơn 7 năm nay, ngoài thu nhập gần 100 triệu đồng/năm từ chăn nuôi heo, gia đình ông còn tiết kiệm mỗi năm hàng chục triệu đồng tiền chất đốt và phân bón. Theo Hội Nông dân huyện Đắk Mil thì hiện tại, trên địa bàn có hàng trăm hộ đã xây dựng và sử dụng có hiệu quả hầm biogas trong chăn nuôi. Việc sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường, vừa giảm chi phí sản xuất cho người nông dân. Đây là hướng giải quyết chất thải chăn nuôi hiệu quả mà Hội đang khuyến khích nông dân áp dụng.
Đển làm phân bón cho cây trồng
Nhiều năm nay, sau khi xay xát cà phê, gia đình anh Hoàng Văn Chung, thôn 11, xã Trường Xuân (Đắk Song) thường tận dụng vỏ cà phê ủ hoai mục để bón cho cây trồng. Anh Chung cho biết: “Những năm trước đây, do chưa nắm được kỹ thuật nên tôi bón toàn phân hóa học cho cà phê. Những năm đầu vườn cà phê cũng sinh trưởng tốt và cho năng suất rất cao, nhưng chỉ được vài năm là cây chững lại. Sau này, tôi đã tận dụng vỏ cà phê, cùi bắp, chất thải gia súc về ủ với các loại chế phẩm sinh học tạo ra phân bón hữu cơ, vi sinh để bón cho vườn cây, hiệu quả rất tốt mà giảm được khá nhiều chi phí mua phân hóa học”.
Theo đánh giá của nhiều nông dân ở các địa phương thì các loại phân hữu cơ vi sinh làm từ vỏ cà phê, cùi bắp... sau khi bón cho cây trồng vừa giúp đất tơi xốp, kích thích sự phát triển bộ rễ, giảm hàm lượng phân hóa học, giảm sâu bệnh hại và ô nhiễm môi trường, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp sạch. Theo thống kê thì sau mỗi niên vụ cà phê, nông dân đã tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tự sản xuất ra được hàng nghìn tấn phân bón hữu cơ phục vụ cho quá trình chăm sóc cà phê và một số cây trồng khác, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Khuyến khích tận dụng phụ phẩm nông nghiệp
Theo Sở nông nghiệp và PTNT thì việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi, trồng trọt, tái tạo năng lượng đã mang lại lợi ích nhiều mặt, không những ở phương diện kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sinh thái.
Hiện tại, từ các chương trình khuyến nông, các đề tài khoa học của ngành nông nghiệp và một số cơ quan khoa học khác, nông dân đã ứng dụng rộng rãi các mô hình tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như: xây dựng hầm biogas để làm khí đốt; xử lý phế thải nông nghiệp, chất thải chăn nuôi kết hợp với chế phẩm sinh học tạo ra phân bón vi sinh… Nhờ đó, một lượng lớn các phế thải từ nông nghiệp đã được tận dụng hiệu quả, giảm được tình trạng phát thải khí nhà kính do quá trình đốt phế phẩm nông nghiệp gây ra. Đây là những cách làm hay, hiệu quả mà nông dân cần áp dụng trong quá trình sản xuất, phát triển chăn nuôi.